Cẩm nang sửa nhà – Bài 35: Chống thấm bể ngầm, bể bơi tại các công trình đã qua sử dụng

Tháng chín 05 03:50 2012

Các bạn đang xem loạt bài “Cẩm nang sửa nhà” để xem mục lục trong cẩm nang này, vui lòng nhấn vào đây

Một số hạng mục như bể chứa nước ngầm, bể bơi… sau một thời gian đưa vào sử dụng có hiện tượng rỏ rỉ nước ra ngoài (gây hao nước) hoặc nước ở các mạch ngầm dưới đất ngấm ngược vào bên trong bể gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang sử dụng.

Để xử lý hiện tượng này cần xác định đúng nguyên nhân để đưa ra phương án xử lý chống thấm thuận (nước rò rỉ ra ngoài) hay chống thấm ngược (nước ngấm vào bên trong) phù hợp với hiện trạng công trình.

1. Sản phẩm đề nghị:

– Màng chống thấm dạng khò dán như màng chống thấm Petro (Italia), màng chống thấm KM (Đài Loan), Glasdan Danosa (Tây Ban Nha)… là màng chống thấm được cấu tạo bởi hợp chất dẻo nhiệt, thành phần bitum cải tiến, gia cố với hệ thống sợi Polyester có tính đàn hồi rất cao và chịu được trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.

– Hỗn hợp hồ phủ chống thấm 2 thành phần như Boscocem Slurry. Sản phẩm mang gốc xi măng và polyme có các ưu điểm như bề mặt áp dụng sản phẩm này có thể dùng để ốp lát được, bảo vệ bê tông khỏi cacbonat và các chất ô nhiễm, có khả năng bám dính vào bề mặt ướt, thích hợp khi thi công trong lòng bể chật chội, thiếu không khí và khó thao tác.

– Keo chuyên dụng Seal “N” Flex 1 (Australia) và mành chịu lực xử lý các vết nứt.

2. Phương pháp xử lý:

– Sau khi tháo hết nước chứa trong bể, kiểm tra và xác định nguyên nhân ngấm nước của bể.

– Nếu bể bị rò rỉ nước ra ngoài cần xác định kỹ các vết nứt trên thành hoặc dưới đáy bể. Trường hợp này được xác định là phải xử lý chống thấm thuận, khi đó ta có thể xử lý như sau:

+ Xử lý các vết nứt bằng cách bơm keo chuyên dụng Seal “ N” Flex 1 và dán mành chịu lực. Việc xử lý như vậy nhằm gia cố ổn định lại kết cấu của bề mặt của bể .

– Nếu bể bị ngấm nước từ bên ngoài vào phải xử lý bằng phương pháp chống thấm ngược như sau:

+ Dùng vật liệu đông cứng tức thời hoặc keo trám đặc biệt để triệt tiêu tất cả những vị trí có hiện tượng nước ngấm từ ngoài vào.

+ Sau khi kiểm tra kỹ thuật toàn bộ bề mặt thấy không còn hiện tượng nước ngấm vào thì có thể tiến hành xử lý chống thấm toàn bộ bề mặt thành và đáy bể bằng các loại vật liệu khác như màng chống thấm dạng khò nhiệt, màng chống thấm tự dính, hỗn hợp 2 thành phần.

* Sử dụng màng chống thấm dạng khò dán:

– Vệ sinh công nghiệp bằng máy toàn bộ bề mặt cần chống thấm .

– Bề mặt phải cứng, sạch, khô và không còn dính vữa yếu, dầu mỡ hoặc các tạp chất khác.

– Khò nóng bề mặt thi công và dùng đèn khò màng chống thấm nóng chảy bám chặt vào bề mặt sàn bê tông và chân tường bao quanh.

– Biên độ chồng mí giữa mỗi lần tiếp giáp là 50mm

* Sử dụng hỗn hợp hồ phủ chống thấm 2 thành phần như Boscocem Slurry

– Dùng máy vệ sinh toàn bộ bề mặt thành và đáy bể đảm bảo bề mặt không có vữa yếu và các tạp chất khác, tăng độ kết dính của vật liệu khi xử lý.

– Do vật liệu đạt hiệu quả kết dính tốt trên bề mặt ẩm nên trước khi thi công cần phun ẩm bề mặt xử lý.

– Dùng chổi nhựa hay bàn chải to bản quét hỗn hợp Boscocem Slurry đều trên bề mặt. Thi công 2 lớp cách nhau từ 2h đến 4h , quét lớp thứ hai theo chiều vuông góc với lớp thứ nhất. Vật liệu này thi công không đòi hỏi yêu cầu các thao tác quá phức tạp nhưng mang lại hiệu quả cao khi ngăn nước thẩm thẩu qua thành và đáy rất hiệu quả trong thời gian dài, an toàn đối với sức khỏe của người thi công và người sử dụng.

– Do các công trình phải xử lý chống thấm ngược thường là các công trình có hạng mục ở ngầm dưới đất nên tiếp xúc trực tiếp với những mạch nước ngầm, áp suất mạnh nên sau khi xử lý cần gia cố lại bề mặt bằng cách đổ bê tông lưới thép một lớp dày khoảng từ 3 đến 4cm. Lớp bê tông lưới thép này có tác dụng chịu được áp suất nước và bảo vệ lớp chống thấm.

[Để xem các tin bài khác cùng chủ đề “Cẩm nang sửa nhà”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Theo Nhà Đẹp kiến trúc)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: