Các bạn đang xem phần 8 của loạt bài “Các loài gỗ ít được biết đến của Việt Nam”, để xem phần 7 vui lòng nhấn vào đây.
Săng lẻ, Bằng lăng lông
Săng lẻ hay Bằng lăng lông (tên khoa học Lagerstroemia tomentosa) là loài cây thuộc họ Lythraceae. Cây phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Đông Dương. Ở Việt Nam, Săng lẻ mọc hoang dại ở hầu như khắp cả nước nhưng nhiều nhất ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc.
Hình ảnh cánh rừng Săng lẻ hai bên Quốc lộ 7, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An
Cây gỗ lớn rụng lá mùa khô, cao tới 25 m. Thân thẳng tròn, gốc có nhiều múi. Tán lá thưa cành khẳng khiu. Cành non bốn cạnh có lông vàng sau nhẵn. Vỏ màu xám trắng hay phớt hồng, bong mảng mỏng, sau khi bong vỏ gồ ghề có màu xám trắng rồi chuyển sang xám vàng.
Lõi gỗ Săng lẻ màu đỏ nhạt đến nâu đỏ, sẫm màu khi tiếp xúc với ánh nắng. Gỗ dác tương đối rộng và có màu vàng nhạt đến xám trắng. Gỗ có tính phản quang nhẹ. Thớ gỗ thẳng, đôi khi gợn sóng, gỗ mạch vòng. Mặt gỗ tương đối mịn đến thô.
Tính chất cơ học
Gỗ cây Săng lẻ tương đối bền. Khả năng chịu mối tương đối. Gỗ dác dễ bị xén tóc, mọt khô phá hoại.
Khả năng gia công
Gỗ Săng lẻ có thể dùng để làm đồ mộc, đóng tàu thuyền, ván sàn, vách ngăn, dùng trong xây dựng, kết cấu trong nhà.
Theo kinh nghiệm nhân dân, Săng lẻ được áp dụng chữa bệnh nấm ngoài da (dùng cồn săng lẻ 30%) bôi lên nơi tổn thương, ngày 2 lần. Đây còn là một loại y dược hữu hiệu để điều trị lỵ trực khuẩn hay chữa trị các vết bỏng.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Gỗ nguyên liệu”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Giz và WWF/ Hình ảnh được sưu tầm)
(Còn tiếp)