Bạn đang theo dõi phần 3 của loạt bài “Một số gợi ý giúp bạn thâm nhập thị trường Nhật Bản ”, để theo dõi phần 2 vui lòng nhấn vào đây.
Thâm nhập thị trường Nhật Bản là một việc không đơn giản nhưng không phải là không thể làm được. Một số gợi ý dưới đây phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về thị trường này trên cơ sở đó xây dựng chiến lược tiếp cận hiệu quả nhất:
1. Khi làm ăn với người Nhật nhất thiết bạn phải đúng giờ. Bạn nên đến trước giờ hẹn từ 5-10 phút. Nếu có vấn đề bất thường xảy ra bạn nên gọi điện thoại thông báo là bạn đến muộn. Người Nhật quan niệm rằng thà đến sớm còn hơn là bị chậm. Đến muộn do phải đi đường xa, hoặc bị tắc đường không được coi là lý do chính đáng, người ta cho rằng đó chỉ là viện cớ cho việc đến muộn.
Hình minh họa từ internet
2. Người Nhật vốn rất thận trọng, cẩn thận và tỷ mỉ. Họ không tiếc thời gian công sức để chuẩn bị cho một đề án hay một thương vụ làm ăn. Người Nhật thường dành nhiều thời gian để tìm hiểu, khảo sát kỹ lưỡng trước khi quyết định một vấn đề gì đó, nhưng một khi đã quyết định thì họ thực hiện đến cùng, chắc chắn và đảm bảo tiến độ. Để làm ăn được với người Nhật bạn cần có lòng kiên trì và biết chờ đợi. Một khi người ta đã chọn bạn thì họ chung thuỷ, gắn kết với bạn lâu dài.
3. Trong khi trao đổi nên chú ý lắng nghe tất cả những gì đối phương nói và trả lời trúng đích. Chỉ cần lơ đễnh một chút bạn sẽ không biết đối phương nói gì, và vì vậy không thể nói cái cần phải nói. Đàm phán thương mại là công việc hai chiều, nó chỉ có thể thu được kết quả khi hai bên đạt được tiếng nói chung.
4. Cần nhấn mạnh rằng bạn phải có kiến thức đầy đủ và sâu rộng về sản phẩm mình đang muốn bán và có khả năng trả lời được mọi câu hỏi mà phía Nhật Bản có thể đưa ra. Thường thì những nhà thương mại hoặc các đại lý thiếu hiểu biết về sản phẩm vì họ không phải là người trực tiếp làm ra các sản phẩm đó. Nếu là nhà thương mại, bạn nên hỏi trước nhà sản xuất để nắm vững sản phẩm và lường trước mọi câu hỏi của đối tác. Người Nhật sẽ không chấp nhận nếu bạn nói rằng “để tôi hỏi lại nhà sản xuất và trả lời sau”.
5. Dù là hàng mẫu hay sản phẩm hoàn chỉnh bạn cũng chỉ nên cung cấp hoặc gửi đi sau khi chính bạn là người đầu tiên dùng thử nó. Đã có trường hợp dụng cụ mátxa chân bằng gỗ bị rơi ra từng mảnh ngay sau khi nó được dùng vài ba lần. Dụng cụ đó không được gắn keo, không có mộng và không có bất kỳ cái vít, cái ốc nào bắt vào để kết chặt lại vì vậy nó rơi ra từng mảnh ngay khi dùng thử cũng là chuyện dễ hiểu. Do đó trước khi bán ra ngoài hoặc gửi đi làm mẫu nhất thiết bạn nên dùng thử để biết về chính sản phẩm của mình và chỉ giao hàng khi thấy nó thực sự tốt. Điều này giúp bạn tránh được khiếu nại và những phiền toái về sau.
6. Nếu bạn muốn bán hàng vào Nhật thì sản phẩm đó nhìn phải đẹp. Sản phẩm phải nhẵn nhụi, sạch sẽ và có sức thu hút khách hàng. Nên tránh tình trạng để sản phẩm nhem nhuốc hoặc để lại ấn tượng lu mờ.
7. Sản phẩm được sử dụng đa mục đích nhưng không có gì đặc biệt sẽ không bán được ở Nhật Bản vì nó được làm từ nguyên vật liệu chỉ riêng có ở nước bạn. Cần thận trọng tiếp cận thị trường và chỉ nên giới hạn ở tính năng sử dụng phù hợp nhất. Có như vậy sản phẩm của bạn mới có giá trị khan hiếm trên thị trường.
8. Bạn không nên cho rằng mọi thứ sử dụng được ở nước bạn thì cũng sử dụng và bán được ở Nhật Bản. Ví dụ, sợi dừa và tro dừa rất ít khi được bán ở Nhật vì chỉ có các nhà máy làm thảm mới sử dụng nó. Tấm để đặt lọ hoa lên hoặc các vật dụng khác làm từ nguyên liệu này được bán ở Nhật Bản dưới dạng các sản phẩm hoàn chỉnh.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Nhật Bản”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Vietrade – 02/2012)