Hồ sơ thị trường Hoa Kỳ (Phần 3)

Tháng bảy 18 03:55 2018

Bạn đang theo dõi phần 3 của loạt bài “Hồ sơ thị trường Hoa Kỳ”, để theo dõi phần 2 vui lòng nhấn vào đây.

Phần 3 Quan hệ hợp tác với Việt Nam

1. Quan hệ ngoại giao

Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu đàm phán chính thức về bình thường hoá quan hệ vào năm 1991. Tháng 2 năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam. Hai nước thiết lập lại quan hệ ngoại giao vào ngày 12 tháng 7 năm 1995 và tiến hành trao đổi đại sứ đầu tiên vào tháng 5 năm 1997. Kể từ đó đến nay, các chuyến viếng thăm của các quan chức cao cấp hai nước, trong đó nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Bill Clinton tháng 11/2000 và chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 6/2005 đã góp phần tích cực củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai nước, đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới thông qua việc phát triển mối quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi. 

Hình minh họa từ internet

Trong triển khai chính sách đối ngoại mới, Chính quyền Obama coi trọng hơn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do vai trò ngày càng quan trọng của khu vực này, đồng thời coi trọng và tranh thủ nhiều hơn vai trò của Đông Nam á và ASEAN, tăng cường quan hệ với cả ASEAN cũng như quan hệ và hợp tác với từng nước thành viên. Trong bối cảnh như vậy, quan hệ hai nước vẫn tiếp tục được duy trì và hợp tác vẫn đang là dòng chảy chính bên cạnh những tồn tại, khó khăn trong quan hệ đặc biệt là những vấn đề liên quan tới dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. 

Về chính trị, an ninh, quốc phòng: Việt Nam và Mỹ tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp Lãnh đạo hai bên. Các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn lãnh đạo hai bên tạo cơ sở để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trong thời gian tới.

Các chuyến thăm này đã đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, mở ra khuôn khổ quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, ổn định lâu dài. Ngoài ra, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương của khu vực và thế giới.

Hợp tác trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ, Văn hóa, Giáo dục – Đào tạo, Y tế và Lao động:

Năm 2003, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Nguyên tắc hợp tác trong việc thực hiện Đề án Quỹ giáo dục của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam (VEF). VEF đã bắt đầu cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ đào tạo. Ngày 23/6/2004, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush tuyên bố đưa Việt Nam vào danh sách 15 nước hưởng viện trợ trong Kế hoạch Viện trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS. Hoa Kỳ cũng hợp tác tích cực và tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống đại dịch cúm gia cầm. Hợp tác về các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại: Với truyền thống và chính sách nhân đạo, Việt Nam đã và đang hợp tác tốt với Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề binh lính Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Đến nay, hai nước đã tiến hành 86 đợt tìm kiếm hỗn hợp. Phía Việt Nam đã trao cho Hoa Kỳ hơn 840 bộ hài cốt. Phía Hoa Kỳ cũng đang từng bước hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh ở Việt Nam như cung cấp các thông tin liên quan tới việc tìm kiếm người Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh. Hai bên hợp tác tổ chức một số hội nghị về nghiên cứu hậu quả chất độc da cam. Từ năm 2000, cơ quan viện trợ USAID đã tài trợ cho nhiều tổ chức phi chính phủ – NGO (Peace Tree, VNAH, HealthEd…) thực hiện các chương trình rà phá bom mìn, trồng cây xanh, trợ giúp nạn nhân… Trung tâm xử lý bom mìn của Bộ Quốc phòng (BOMICO) và Quỹ cựu binh Mỹ ở Việt Nam (VVAF) đã hoàn tất giai đoạn 1 của Dự án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam”.

Quan hệ an ninh – quân sự:

Hai bên đã cử Tùy viên quân sự (Hoa Kỳ cử năm 1995 và Việt Nam cử năm 1997); tiến hành trao đổi nhiều đoàn, kể cả các đoàn cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ W.Cohen thăm Việt Nam tháng 3/2000. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà đã thăm Hoa Kỳ tháng 11/2003. Tháng 6/2006, Bộ trưởng Quốc phòng D. Rumsfeld thăm Việt Nam. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã thăm Việt Nam nhiều lần. Từ năm 2003, hàng năm tàu hải quân Hoa Kỳ thăm hữu nghị cảng Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương.

Hợp tác chống khủng bố:

Việt Nam đã và đang tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực cụ thể để chống khủng bố. Đồng thời, Việt Nam cũng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ hợp tác ngăn chặn và nghiêm trị những tổ chức và cá nhân có hành động khủng bố chống Việt Nam.

2. Quan hệ kinh tế và thương mại

Song song với quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng không ngừng phát triển. Các hiệp định đã ký kết:
– Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả (ngày 27/6/1997)
– Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (ký ngày 13/7/2000, có hiệu – lực ngày 10/12/2001)
– Hiệp định Hợp tác về khoa học và công nghệ (có hiệu lực từ ngày 26/3/2001)
– Hiệp định Dệt may (có hiệu lực từ 1/5/2003)
– Hiệp định Hàng không (có hiệu lực từ 14/1/2004)
– Hiệp định khung hợp tác về kinh tế và kỹ thuật (2005)
– Bản Ghi nhớ hợp tác về Nông nghiệp (ký tháng 6/2005)

Việc thông qua Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Nhờ đó, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng

Đáng chú ý, ngày 31/5/2006 hai nước đã ký Thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.

Kết quả hợp tác:

Quan hệ thương mại hàng hóa song phương Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng phát triển, đặc biệt là từ năm 2007, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Năm 2007 là năm đánh dấu mức tăng trưởng nhảy vọt trong thương mại hàng hóa Việt Nam – Hoa Kỳ, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.

Số liệu Thống kê Hải quan cho thấy, nếu như trong năm 2005 và 2006, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chỉ đạt tương ứng 5,91 tỷ USD và 7,83 tỷ USD thì đến năm 2007, tổng trị giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã vượt con số 10 tỷ USD. Năm 2008, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu tại Hoa Kỳ vào tháng 12/2007 và tiếp đến là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ giữa năm 2008, nhưng quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn có những dấu hiệu khả quan. Tổng kim ngạch buôn bán hàng hóa hai chiều trong năm 2008 đạt 14,5 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2007. Sang đến năm 2009, mặc dù tiếp tục gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới này vẫn đạt được 11,36 tỷ USD, giảm nhẹ 4,3% so với kết quả thực hiện của một năm trước đó. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của các nhà xuất khẩu Việt Nam. Năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 14,238 tỷ tăng 25,4% so với năm 2009. Tính đến hết quý III năm nay, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 12,388 tỷ USD.

Số liệu Thống kê Hải quan ghi nhận từ năm 2003 đến nay, Hoa Kỳ luôn luôn là thị trường giành vị trí quán quân về tiêu thụ hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam với tỷ trọng trung bình giai đoạn 2005 – 2009 chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường chính (đứng ở vị trí thứ 7) cung cấp hàng hóa cho các nhà nhập khẩu Việt Nam. Tỷ trọng bình quân nhập khẩu từ Hoa Kỳ cả giai đoạn 2005- 2009 chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước từ tất cả các thị trường. Như vậy, tính chung cho cả xuất nhập khẩu thì từ năm 2005-2008 Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ ba của các công ty Việt Nam. Nhưng sang năm 2009, Hoa Kỳ đã vượt qua Nhật Bản vươn lên vị trí thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Thống kê các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2010 và 9 tháng năm 2011

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Thống kê kim ngạch, tỷ trọng kim ngạch một số nhóm hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ năm 2010 và 9 tháng năm 2011

[Để xem thêm các tin bài khác về Thị trường Hoa Kỳ, vui lòng nhấn vào đây]

(Nguồn: Hải quan Việt Nam/ Vietrade – 2011)

Bình luận hay chia sẻ thông tin