Tình hình thị trường châu Phi năm 2012 (Phần 1)

Tháng bảy 18 03:55 2018

2012 là năm của các cuộc bầu cử ở châu Phi với 24 cuộc bầu cử Tổng thống và nghị viện như tại Angola, Ai Cập, An-giê-ri, Nigeria, Senegal, Sierra Leone…Tiến trình dân chủ hóa đã và đang diễn ra ở nhiều nước châu Phi. Cải cách kinh tế – chính trị, tự do dân chủ, hòa bình – điều mà người dân châu Phi mong mỏi vẫn tiếp tục được thực hiện. Những chính quyền mới bắt đầu thực hiện các cam kết khi bầu cử như cải cách kinh tế, mở cửa, tăng phúc lợi xã hội, kiềm chế tình trạng giá cả leo thang, nhằm tạo dựng uy tín với người dân đồng thời củng cố quyền lực và hướng tới xây dựng một nền dân chủ toàn diện.

Nhìn chung, năm 2012, tình hình an ninh chính trị của châu Phi tương đối ổn định tại đa số các nước châu Phi, đặc biệt các quốc gia như Bờ Biển Ngà, Siera Leone, Zambia, Ghana và Senegal đã có sự tiến bộ rõ rệt. Senegal đã tránh được những bất ổn chính trị thường thấy khi tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu năm.

Hình minh họa từ Internet

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm nóng như bất ổn chính trị tại CH Trung Phi, CH Dân chủ Congo, Mali và tình trạng cướp biển gia tăng tại vùng vịnh Guinea (Tây Phi).

Tình hình kinh tế, thương mại của châu Phi năm 2012

Bất chấp những vấn đề chính trị, châu Phi vẫn thu được những thành tựu kinh tế tích cực với mức tăng trưởng ước tính 5% trong năm 2012-2013, cao hơn so với các châu lục khác trên thế giới. Năm 2012, châu Phi hạ sa mạc Sahara (hay còn gọi là châu Phi đen gồm 48 quốc gia) nằm trong số một vài khu vực trên thế giới tránh được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính. Mặc dù có những biến cố chính trị tại Mali nhưng Tây Phi vẫn được hưởng lợi từ sự ổn định trở lại và sự tăng trưởng mạnh của Bờ Biển Ngà. Tại Tây Phi, đầu tầu Bờ Biển Ngà đã góp phần kéo kinh tế toàn bộ khu vực trong khi các nước khác vẫn duy trì được những thành tựu của những năm trước đó. Đây là một năm bản lề đối với Bờ Biển Ngà khi được Câu lạc bộ Paris xoá 4 tỷ USD tiền nợ (CH Gui-nê được xoá 2,1 tỷ USD). Khi thăm Paris vào cuối năm, Tổng thống Alassane Ouattara còn vận động Pháp tài trợ 8,6 tỷ USD để triển khai những kế hoạch phát triển đất nước của mình.

Tại Bắc Phi, sự bất ổn chính trị tiếp tục đè nặng lên tình hình kinh tế của Ai Cập và Tuy-ni-di. Trong báo cáo Kinh doanh 2013, Ngân hàng thế giới nhấn mạnh đà cải cách tại khu vực Bắc Phi đã chậm lại kể từ đầu mùa xuân A rập vào tháng 1/2011.

Hình minh họa từ Internet

Hầu hết các nước Bắc Phi đều không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra: Ai Cập chỉ đạt 2,7% thấp hơn so với kế hoạch là 4%, An-giê-ri đạt 2,6% (thay vì 4,7%), Ma-rốc 2,9% (5%), Tuy-ni-di 2,5% (4%). Riêng Libi, nền kinh tế đã phục hồi nhờ đẩy mạnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu khí. Libi đã lấy lại sản lượng khai thác dầu như trước khi diễn ra cuộc nội chiến, cho phép nước này đạt mức tăng trưởng kỷ lục 117%. Tính chung, tăng trưởng kinh tế của cả khu vực Bắc Phi là 4,7% năm 2012.

Mặc dù có những bất ổn chính trị tại một số quốc gia, năm 2012, châu Phi vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi những tiềm năng chưa được khai thác, môi trường kinh doanh đang được cải thiện, tình hình chính trị đi vào ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn các khu vực khác. Những lĩnh vực như chế biến nông sản, xây dựng, năng lượng, mỏ, tài chính-ngân hàng, ô tô, viễn thông, vận tải thu hút được nhiều nguồn vốn FDI nhất.

Hình minh họa từ Internet

Về chính sách ngoại thương, một số nước châu Phi đã có những biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu như An-giê-ri chủ động hạ giá đồng Đi-na so với các ngoại tệ mạnh như Euro, USD (-8% trong 9 tháng đầu năm). Song song với đó, nước này vẫn duy trì chính sách thương mại và đầu tư với hai biện pháp cơ bản được áp dụng theo Luật tài chính bổ sung 2009 là thanh toán hàng nhập khẩu bằng L/C và tỷ lệ góp vốn 51/49% trong đầu tư liên doanh tại An-giê-ri của người nước ngoài. Còn tại Nigeria, kể từ 1/7 mức thuế nhập khẩu mới đối với bột mỳ, lúa mỳ và gạo đã chính thức có hiệu lực trong đó thuế nhập khẩu gạo lức tăng từ 25 lên 35%. Các loại gạo xay sát chịu mức thuế nhập khẩu 50%, tăng 40% so với mức thuế hiện hành. Đồng thời, chính phủ nước này cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu gạo qua đường bộ và đường sông. Còn tại Ma rốc, để trấn áp hiện tượng trốn thuế, ghi giá trị hoá đơn thấp, nước này áp dụng biểu giá tối thiểu khi tính thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng thay vì áp thuế theo giá trong hợp đồng như trước. Tại Senegal, kể từ tháng 10/2012, Chính phủ đã quyết định cấm xuất khẩu sắt thép phế liệu để bảo đảm đủ nguyên liệu cho ngành luyện kim trong nước. Nhiều quốc gia Tây Phi khác như Senegal, Benin, Côte d’Ivoire… đang đẩy mạnh các chương trình sản xuất lúa trong nước và hạn chế nhập khẩu gạo.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường châu Phi”, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo Vietrade – 01/2013)

Bình luận hay chia sẻ thông tin