Với sức cạnh tranh yếu do chỉ làm hàng có giá trị thấp, giá thành sản xuất lại ngày càng tăng cao, nên nhiều đơn hàng mặc dù đã được chuyển dịch sang Việt Nam vẫn không tạo nên cơ hội cho các DN (doanh nghiệp) nắm bắt. Với quy mô xuất khẩu (XK) hàng năm vào khoảng 1,5 tỷ USD, chỉ chiếm 1,5% thị phần trên toàn thị trường thế giới, cánh cửa mở ra đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam XK hàng thủ công mỹ nghệ là vô cùng rộng lớn. Tuy nhiên, với sức cạnh tranh yếu do chỉ làm hàng có giá trị thấp, giá thành sản xuất lại ngày càng tăng cao, nên nhiều đơn hàng mặc dù đã được chuyển dịch sang Việt Nam vẫn không tạo nên cơ hội cho các DN nắm bắt.
Tin vui cho các DN XK hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam là Trung Quốc và Ấn Độ – vốn được xem là “thiên đường” XK hàng thủ công mỹ nghệ của thế giới, hiện đã không còn là điểm đến được các nhà thương mại kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ lựa chọn. Thay vào đó, những đơn hàng từ các nước này đã chuyển dịch sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là các DN XK của Việt Nam vẫn chưa nắm bắt được cơ hội từ những thị trường XK có quy mô lên đến 60 tỷ USD này.
Không còn “rẻ” nữa!
Ông Lê Bá Ngọc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), cho biết đã có nhiều khách hàng chuyển đơn hàng có giá trị từ vài chục đến trăm triệu USD về Việt Nam, thế nhưng DN XK của Việt Nam đều không thể ký được hợp đồng nào từ những cơ hội này. Nguyên nhân chính là những khó khăn trong nội tại sản xuất đã làm cho các sản phẩm XK Việt Nam yếu thế cạnh tranh trên thị trường và không thể biến cơ hội mà Việt Nam đang có thành những lợi thế.
“Vấn đề thị trường không phải là khó khăn, mà cái khó nhất hiện nay là nội tại sản xuất trong nước, làm thế nào để sản phẩm có tính cạnh tranh. Chúng ta mới chỉ chiếm khoảng 1,5% thị phần, khách hàng đang bỏ Trung Quốc, Ấn Độ nhiều như vậy, nhưng chúng ta vẫn không làm được vì giá thành quá cao. Nhiều làng nghề phải đối mặt với tình trạng dịch chuyển lao động do tính cạnh tranh ngày càng ngặt nghèo, giảm 50% lao động, đơn hàng yếu. Bên cạnh đó, sự thiếu ổn định của sản xuất, với lãi suất ngân hàng quá cao, nguyên nhiên liệu liên tục tăng như gas, xăng dầu, điện… làm giá thành tăng. Chưa kể, càng đi sâu vào môi trường cạnh tranh mới thấy DN XK Việt Nam càng yếu và thiếu nhiều, như: công nghệ sản xuất, hạ tầng xúc tiến thương mại”, ông Ngọc cho biết.
Là người nhiều năm gắn bó và lăn lộn nơi thương trường với các DN XK trong ngành, ông Ngọc cho rằng các DN Việt Nam đi lên từ khó khăn, ít vốn, thiếu công nghệ, lại có ít sự hỗ trợ nên chỉ đủ năng lực để làm hàng rẻ tiền, với giá trị gia tăng thấp. Do đó, khi thị trường và các yếu tố tác động đến sản xuất có nhiều biến động, đa phần người sản xuất đều không có lợi nhuận và phải chấp nhận “thua” trên thị trường khi cạnh tranh với các nước trong khu vực. Cũng theo ông Ngọc, trước bài toán về chi phí giá thành, nhiều DN chỉ còn cách giảm lương của người lao động, nhưng điều này cũng tạo nên khó khăn lớn cho các DN khi tình trạng bỏ nghề đang gia tăng cao.
30% dừng hoạt động
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Trịnh Quốc Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết có đến 30% DN trong khối làng nghề đang trong tình trạng phá sản, giải thể và ngưng hoạt động. Nhiều DN XK những mặt hàng thủ công mỹ nghệ vốn là thế mạnh của Việt Nam, như: gốm sứ, mây tre đan… đều phải cắt giảm sản xuất do đơn hàng giảm.
Theo ông Đạt, bên cạnh những tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, thì việc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ XK của Việt Nam kém cạnh tranh trên thị trường cũng là nguyên nhân làm cho những đơn hàng đã đến Việt Nam mà vẫn “quay lưng” ra đi.
“Hạn chế lớn nhất của DN XK hàng thủ công mỹ nghệ trong khối làng nghề là chậm cải tiến mẫu mã, đưa ra những sản phẩm không phù hợp thị trường, thiếu những sản phẩm có tính sáng tạo và đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh về thị hiếu của khách hàng. Do phần lớn sản phẩm đưa ra thị trường thế giới đều có giá trị thấp, với năng suất lao động thấp, giá thành sản xuất lại liên tục tăng cao nên khó cạnh tranh trên thị trường”, ông Đạt nói.
Đa số DN sản xuất và XK hàng thủ công mỹ nghệ đều là DN vừa và nhỏ, nên trong bối cảnh có nhiều biến động thì khối DN này chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Theo một khảo sát từ VIETCRAFT với 200 DN trong ngành, thì có 30% DN dừng hoạt động do thua lỗ, nhiều DN hoạt động cầm chừng. Đa số DN đều đang lỗ, một số duy trì được hoạt động do lấy nguồn thu từ các hoạt động khác để bù lỗ. Các chuyên gia trong ngành đều cho rằng tình trạng thiếu vốn sản xuất, lãi suất cao ở mức 18 – 20%, có thời điểm “nóng” nhất lên đến trên 20%, lại được duy trì trong thời gian dài, cộng thêm các chi phí không chính đáng phát sinh, đã làm cho DN thêm “điêu đứng” trong khủng hoảng.
Theo nghiên cứu mà VIETCRAFT đưa ra, cùng với xu hướng dịch chuyển đơn hàng, thì việc cắt giảm tối đa các khâu trung gian, đặc biệt là các nhà thương mại, yêu cầu tăng cường vai trò của sản xuất bền vững, khách hàng đòi hỏi sản phẩm có tính đa dạng sáng tạo nhưng chỉ chấp nhận chi trả ít hơn. Do đó, cùng với yêu cầu tái cơ cấu hoạt động, giảm bớt các nhà thương mại, thách thức nâng cao năng suất lao động, chuyên môn hóa sản xuất từng phân đoạn sản phẩm sẽ là yêu cầu đặt ra với DN Việt Nam.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Thời báo kinh doanh)