Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm chế biến gỗ tại các làng nghề, cung cấp thông tin thương mại về thị trường, sản phẩm chế biến gỗ tới các hộ kinh doanh, hộ gia đình tại các làng nghề; đồng thời tạo cơ hội kết nối, giao lưu, trao đổi giữa các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong cả nước, ngày 9/7 tại Nam Định, Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức hội nghị “Xúc tiến tiếp thị sản phẩm gỗ nội địa hướng tới các làng nghề gỗ năm 2014”.
Việt Nam hiện nay có khoảng 1.000 làng nghề chế biến gỗ, thị trường nội địa khá lớn và có nhiều tiềm năng với dân số gần 100 triệu người và mức sống của người dân ngày càng được cải thiện nhanh. Ước tính, thị trường nội địa chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại đồ gỗ Việt Nam với giá trị khoảng 2,25 tỷ USD (bình quân 31,7 USD/đầu người).
Tuy nhiên, thị trường gỗ trong nước hiện nay còn thiếu kênh phân phối, sản phẩm đồ gỗ của các làng nghề khó tiếp cận với ngay cả khách hàng Việt Nam . Trong khi kim ngạch xuất khẩu gỗ những năm gần đây có những thành công vượt bậc thì thị trường nội địa lại bỏ ngỏ cho các doanh nghiệp từ Hồng Công, Trung Quốc…, sản phẩm đồ gỗ Việt Nam bị lấn át bởi mặt hàng đồ gỗ nhập khẩu. Nguyên nhân cơ bản là do việc sản xuất và tiêu thụ đồ gỗ phần lớn là độc lập, khép kín theo phương thức bán buôn nhỏ hoặc “tự sản tự tiêu”, chưa hình thành được hệ thống phân phối sản phẩm hợp lý và định hướng tiêu dùng nội địa.
Lĩnh vực chế biến và kinh doanh các sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện vẫn tồn tại một số hạn chế như hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, sức cạnh tranh yếu; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến gỗ; thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là nguồn vốn vay dài hạn nhằm đổi mới công nghệ, dây chuyền thiết bị chế biễn gỗ và đầu tư nhà xưởng; số lượng và chất lượng đội ngũ lao động chưa đáp ứng nhu cầu của ngành…
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến – Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối cho rằng: Sản phẩm của các làng nghề tại Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Các doanh nghiệp và làng nghề chế biến gỗ cần đổi mới nguyên liệu, mẫu mã sản phẩm, cải tiến hình thức cũng như các giải pháp xúc tiến thương mại để ngày càng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, từ đó giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa.
Còn theo ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để tạo đà cho lĩnh vực chế biến và kinh doanh các sản phẩm gỗ phát triển ổn định, bền vững thì cần xây dựng mô hình liên kết trong tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề gỗ, chia sẻ thông tin thị trường, khắc phục tư duy cá thể làm ăn manh mún, nhỏ lẻ để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, cùng chia sẻ lợi nhuận./.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Agroviet – 10/07/2014)