Chọn công suất điều hòa phù hợp với không gian sử dụng

Tháng mười hai 01 17:00 2019

Việc tính toán hợp lý công suất so với diện tích phòng giúp điều hòa hoạt động hiệu quả nhất cũng như tiết kiệm chi phí.

Khi lắp đặt điều hòa nhiệt độ, bên cạnh công nghệ, giá tiền, vấn đề chọn thiết bị có công suất phù hợp với không gian phòng luôn được quan tâm, nhất là với những ai lần đầu tiên mua máy. Điều này không chỉ phát huy tối đa hiệu quả làm lạnh cho căn phòng mà còn giúp tiết kiệm điện và tăng độ bền cho máy.

Chỉ số công suất làm lạnh của điều hòa tại Việt Nam thường được quy về cách gọi là Ngựa (Horse Power – HP). Tuy nhiên, gần đây chỉ số BTU (British Thermal Unit) tức đơn vị năng lượng dùng nhiều tại Mỹ, mô tả giá trị năng lượng của nhiên liệu và để mô tả chính xác công suất của hệ thống sưởi ấm và làm lạnh cũng được sử dụng khá nhiều. Quy đổi 1 HP bằng 9.000 BTU.

Tại Việt Nam, điều hòa nhiệt độ phổ biến thường rơi vào khoảng 1 HP (9.000 BTU), 1,5 HP (12.000 BTU), 2 HP (18.000 BTU) và 2,5 HP (24.000 BTU). Tất nhiên, chỉ số này vẫn bị chi phối bởi các nhà sản xuất, ví dụ, điều hòa của Toshiba có công suất 1 HP nhưng 10.000 BTU, trong khi các hãng khác chỉ 9.000 hoặc thậm chí 8.000 BTU.

Theo bảng số liệu được đăng tải trên Energy Star – chuẩn về tiết kiệm năng lượng quốc tế trên các sản phẩm kim khí điện máy được phát triển bởi tổ chức bảo vệ môi trường Mỹ từ năm 1992, công suất điều hòa tương ứng với diện tích phòng như sau:
Bảng số liệu trên được áp dụng cho điều kiện chuẩn: tường phải dày khoảng 20 cm, phòng kín, không sử dụng quá nhiều thiết bị tỏa nhiệt, cục lạnh lắp cách bề mặt 2,5 mét đến 2,7 mét…

Theo anh Nguyễn Công Phúc, một thợ sửa điện lạnh tại quận Bình Thạnh (TP HCM), không gian lắp đặt trên thực tế rất đa dạng và không phải tất cả trường hợp đều áp dụng rập khuôn số liệu trên. Do vậy, người mua điều hòa cần phải “linh động” và xét đến các chỉ số phụ khác để cộng thêm công suất khi lắp đặt.

Theo kinh nghiệm của anh Phúc, với chiều cao trần nhà theo chuẩn là 2,4 mét, nếu trên mức này cần tăng khoảng 1.000 đến 2.000 BTU mỗi mét. Số lượng người sống mỗi phòng xuất hiện nhiều hơn số hai, tăng thêm 600 BTU với mỗi người. Còn nếu đặt điều hòa trong các không gian thường xuyên tỏa nhiệt như nhà bếp, cần nâng tối thiểu 4.000 BTU trở lên.

Bên cạnh đó, không phải môi trường nào cũng giống nhau. Anh Nguyễn Huy, một kỹ thuật viên lắp đặt máy lạnh tại quận Gò Vấp chỉ ra rằng, nếu một căn phòng có nhiều cửa sổ và thường xuyên bị ánh nắng chiếu vào, hay không gian có các thiết bị tỏa nhiệt như tủ lạnh, tivi, buộc phải dùng điều hòa có công suất cao hơn và ngược lại. Người này chia sẻ, nếu phòng có ánh sáng mặt trời chiếu vào thường xuyên, mức BTU tăng tối thiểu 10% và ngược lại, nếu phòng được che bởi cây cối ban ngày, hãy hạ xuống 10%.

Ngoài ra, anh Huy cho rằng tốt nhất nên mua điều hòa có công suất cao hơn một chút so với diện tích hoặc thể tích phòng. “Công suất cao hơn giúp thời gian làm lạnh phòng nhanh hơn. Khi đạt nhiệt độ tiêu chuẩn, nó sẽ tự ngắt và vận động máy nén để tiết kiệm điện, đồng thời tạo ra thời gian nghỉ ngơi. Nếu chọn công suất vừa đủ hoặc nhỏ hơn so với diện tích phòng, khả năng cao máy sẽ vận hành quá sức, hoạt động không nghỉ ngơi, từ đó giảm tuổi thọ”, anh Huy cho hay.

[Xem thêm các bài viết khác có cùng chủ đề “Thiết bị gia dụng”, “Máy lạnh”]

 

(Theo Vnexpress/Bảo Lâm)

Bình luận hay chia sẻ thông tin