Ba bước đơn giản tự vệ sinh máy lạnh

Tháng mười hai 05 17:00 2019

Điều hòa vẫn chạy liên tục nhưng không mát? Bí quyết chỉnh điều hòa để không tốn điện ngày nóng?… luôn là những vấn đề hay gặp phải của người dùng.

Điều hòa không mát là một trong những vấn đề khiến người dùng khó chịu nhất trong mùa hè nóng nực. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân của nó lại cực kỳ đơn giản khi xuất phát từ chính bụi bẩn bám lâu ngày tạo ra. Đôi khi chỉ cần vệ sinh lại dàn lạnh thiết bị, điều hòa đã có thể hoạt động trở lại bình thường.

Dẫu vậy, theo quan niệm của nhiều người, vệ sinh thiết bị điện tử là một công việc phức tạp, khó khăn và có thể gây hỏng hóc. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều chiếc điều hòa không khí bị “quên lãng” từ vài tháng tới cả năm trời. Theo chuyên trang về điện tử gia dụng Zol, thực tế vệ sinh dàn lạnh điều hòa là một việc làm đơn giản mà người dùng có thể áp dụng ngay tại nhà.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn khi cho rằng chỉ cần vệ sinh lưới lọc của máy là có thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng ô nhiễm. Điều này không đúng, bởi một phần bụi và vi khuẩn vẫn tích tụ bên trong ở các bộ phận như cánh tản nhiệt. Vệ sinh bộ phận lưới lọc chỉ là một phần của công đoạn “tắm” cho điều hòa không khí. Để vệ sinh một cách toàn diện cho dàn lạnh, người dùng cần thực hiện theo ba bước là vệ sinh vỏ máy, vệ sinh và làm sạch bộ lọc cùng khử trùng bộ phận tản nhiệt.

Để làm sạch vỏ máy điều hòa, đầu tiên, người dùng cần tắt thiết bị. Sau đó, lau sạch bụi trực tiếp bằng vải hoặc khăn ẩm. Khi lau, cố gắng di chuyển khăn theo cùng một hướng, chà trên bề mặt từ trái sang phải tới phần rìa, sau đó gấp giẻ lại, thay đổi sang bên mặt sạch và lau lại. Quá trình này cần thực hiện vài lần, có thể giúp thiết bị trông đẹp như mới.

Tiếp theo, để vệ sinh bộ phận lưới lọc, người dùng cần mở phần mặt trước của máy điều hòa. Trên phần lớn thiết bị, phần bảng điều khiển hoặc tấm nhựa ở mặt trước có thể dễ dàng mở bằng cách chạm nhẹ vào lẫy hoặc các gờ, cạnh của vỏ máy. Việc gỡ bỏ các tấm lưới lọc cũng rất đơn giản khi chỉ cần tìm vị trí của khóa và tháo bỏ bằng cách đẩy nó nhẹ nhàng.

Sau đó, người dùng có thể rửa nó trực tiếp bằng nước sạch. Việc làm sạch này có thể sử dụng một số công cụ nhỏ như bàn chải đánh răng. Sau khi làm sạch, nên để khô một cách tự nhiên, tránh sử dụng máy sấy bởi có thể làm co, hỏng lưới lọc.

Bước cuối cùng là vệ sinh và khử trùng bộ phận cánh tản nhiệt. Đây là bộ phận không thể tháo rời nên mọi cách thức vệ sinh thông thường như dùng khăn lau, bàn chải… đều không đạt được hiệu quả cao, thậm chí có thể làm hư hại các bộ phận bên trong thiết bị. Do đó, người dùng cần sử dụng một công cụ chuyên nghiệp là thiết bị vệ sinh điều hòa dạng chai xịt.

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại chai xịt vệ sinh, nhưng được quan tâm nhiều nhất vẫn là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản, với giá bán khoảng 150.000 đồng. Người dùng chỉ cần giữ chai xịt cách vùng muốn vệ sinh từ 5-10 cm, rồi xịt đều trên toàn bộ bề mặt. Tiếp đó là để yên chúng trong khoảng 10-15 phút.

Sau đó, người dùng có thể lắp lưới lọc đã khô và vỏ mặt trước của máy điều hòa vào vị trí cũ. Việc cuối cùng, bật chế độ làm mát và làm lạnh, điều chỉnh công suất đến mức tối đa. Sau khi chạy khoảng nửa giờ, người dùng có thể thấy nước thải cùng bụi bẩn chảy ra khỏi ống xả.

Theo các chuyên gia cũng như nhà sản xuất, vệ sinh dàn lạnh cần thực hiện mỗi tháng một hoặc hai lần. Mỗi năm một lần, thiết bị cần được vệ sinh toàn diện cả dàn nóng và lạnh bởi chuyên viên kỹ thuật có kinh nghiệm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới độ bền của thiết bị mà cả sức khỏe của mọi thành viên trong gia đình của người sử dụng.

Tất nhiên, ngoài việc giải quyết nguồn ô nhiễm từ điều hòa không khí, trong quá trình sử dụng, người dùng cũng nên để ý sao cho phòng đảm bảo được sự thông thoáng cần thiết, có luồng không khí mới thay thế thường xuyên.

[Xem thêm các bài viết khác có cùng chủ đề “Thiết bị gia dụng”, “Máy lạnh”]

 

(Theo Vnexpress/Bảo Nam)

Bình luận hay chia sẻ thông tin