Tọa lạc trong khuôn viên công viên Hyde Park, thành phố cảng Sidney, Australia. Đài phun nước ra đời theo ý tưởng của chủ tòa soạn báo Bulletin, ông J.F.Archibald – người đã dành một khoản tiền lớn tài trợ cho công trình này phục vụ cho cộng đồng, được nhiều người công nhận là đài phun nước đẹp nhất xứ sở kangaroo.
Đài phun nước nhìn từ trên cao
Khánh thành vào 14/3/1932, về cơ bản đài phun nước Archibald được xây dựng từ đá granite, có hình lục giác đều, diện tích khoảng 452m2, các bức tượng bằng đồng được lấy cảm hứng từ hình ảnh của những vị thần trong thần thoại Hy Lạp cổ đại.
Tượng thần Apollo – thần mặt trời được đặt ngay trung tâm đài phun, tượng trưng cho ánh sáng, chân lý và nghệ thuật, những vòi phun phía sau thần Apollo biểu trưng cho những tia nắng mặt trời và hào quang xung quanh ngài. Cánh tay trái của Apollo giữ cây đàn lia đại diện cho nghệ thuật, cánh tay phải dang ra như một dấu hiệu của sự bảo vệ, mang lại sự ấm áp cho muôn loài.
Nữ thần Diana – em song sinh với thần Apollo, là nữ thần săn bắn đồng thời cũng là nữ thần mặt trăng, nàng là hiện thân của sự thuần khiết, trong trắng và mọi điều tốt đẹp nhất trên quả đất. Người anh hùng và vị vua huyền thoại của Athens – Theseus, tượng trưng cho sự dũng mãnh và đức hy sinh quên mình. Sau cùng là thần Pan – vị thần của thiên nhiên hoang dã, hiện thân của sức sống dồi dào và mãnh liệt. Ngoài ra còn có sự góp mặt sống động của các vòi phun dưới hình ảnh của các tượng đầu ngựa, cá heo và rùa.
Thần Theseus tiêu diệt quái vật Minortaur
Thần Pan
Nữ thần Diana
Ông Archibald yêu cầu người thiết kế đài phun phải là một người Pháp và ông đã chỉ định một nhà điêu khắc lỗi lạc nhất thời bấy giờ – François Léon Sicard. Archibald mong muốn đài phun nước này phải trở thành một đối thủ ngang tầm với các bậc đàn anh ở Châu Âu, cũng là một cách tưởng nhớ đến nước Pháp và mối thâm giao của hai quốc gia trong suốt Thế chiến I.
Vầng hào quang của Apollo
Ở đài phun nước Archibald các bạn sẽ không tìm thấy những tia nước có hiệu ứng hiện đại và đa dạng như những đài phun khác, sẽ không có hệ thống đèn chiếu sáng với những màu sắc sặc sỡ và kiêu sa khi về đêm. Nhưng ở đó các bạn sẽ cảm nhận được “dòng chảy của thời gian”, sự hòa quyện của nghệ thuật thần thoại vào nhịp sống hiện đại, nơi hội tụ giữa các vị thần và loài người nhỏ bé.
Bằng tài năng điêu khắc tài tình, Sicard muốn đưa bạn bước chân vào không gian sống đã đi vào huyền thoại. Archibald không tự khoác cho mình vẻ ngoài lộng lẫy, mà để cho mọi người tự cảm nhận được sự rực rỡ của nó qua nghệ thuật đích thực.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Công trình công cộng”, vui lòng nhấn vào đây]