Các bạn đang xem “Đặc điểm của kính và giải pháp sử dụng kính trong xây dựng (P.2)” trong loạt bài “Cẩm nang xây nhà”, để xem mục lục của cẩm nang này, vui lòng nhấn vào đây
3. Đẹp, trong suốt và… con dao hai lưỡi
Rõ ràng kính là một loại vật liệu có rất nhiều ưu điểm. Sự ra đời của kính đã làm thay đổi bộ mặt kiến trúc thế giới. Kính đã, đang và sẽ tiếp tục song hành cùng kiến trúc. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Công nghệ hiện đại ngày càng làm tăng ưu điểm và hạn chế nhược điểm của kính; điều đó không có nghĩa là kính có thể sử dụng ở mọi nơi, mọi chỗ và thay thế được các loại vật liệu khác.
Sử dụng kính như thế nào cho hợp lý về tương quan tỷ lệ với vật liệu khác, hài hòa về màu sắc và chất cảm vật liệu, đúng công năng… hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng và lương tâm của kiến trúc sư. Khả năng đáp ứng cho sáng tạo kiến trúc của kính, những yếu tố kỹ thuật mới làm nên ưu điểm mới của kính gần như là không giới hạn.
Các nhà sản xuất có thể đáp ứng được hết các yêu cầu về hình dáng, kích thước, thẩm mỹ, độ bền, các thông số kỹ thuật khác… Nhưng trong thực tế sự lạm dụng kính trong kiến trúc hay sử dụng kính không đúng chỗ đang diễn ra, và chúng ta phải chịu hậu quả ở một mức độ nào đó.
Lạm dụng “kính”
Một phòng ngủ quá nhiều cửa kính có nguy cơ thừa sáng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người sử dụng; một phòng bốn bề là kính khó kê đồ, không có chỗ treo các vật dụng khác; một sàn kính quá lớn có thể gây trơn trượt; những mái kính nếu không có điều kiện vệ sinh thường xuyên, thực ra lại làm mất thẩm mỹ vì bị đọng bụi rác ở trên, những chấn động cơ học gây đổ vỡ kính làm sát thương…
Và điều quan trọng nhất – với những ngôi nhà bọc kính là hiệu ứng lồng kính, làm tăng nhiệt, và phải sử dụng công nghệ để khắc phục điều này (điều hòa nhiệt độ); trong khi đó vấn đề cơ bản là giải pháp kiến trúc chưa đúng.
Bê tông, kính, thép là công thức vật liệu cho kiến trúc hiện đại. Dẫu có nhiều thay đổi, có nhiều quan điểm mới; thì vật liệu kính sẽ vẫn giữ một vai trò then chốt của tương lai.
4. Ưu – nhược điểm của kính
Ưu điểm:
– Như trên đã đề cập, ưu điểm lớn nhất của kính là khả năng cho ánh sáng đi qua và ngăn được gió, bụi. Bên cạnh đó kính có bề mặt phẳng, nhẵn thuận tiện cho việc lau chùi vệ sinh.
Bé yêu cũng có thể dễ dàng lau chùi cửa kính
– Vật liệu kính góp phần làm phong phú chất liệu bề mặt kiến trúc, với hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi bộ mặt kiến trúc, thẩm mỹ và sinh động hơn. – So với các dạng kết cấu bao che khác, kính có chiều dày và tải trọng nhỏ hơn, việc thi công lắp dựng nhanh và kinh tế hơn; với nhiều giải pháp liên kết – cấu tạo. – Vật liệu kính hỗ trợ đắc lực cho người thiết kế trong sáng tạo không gian, hình khối kiến trúc.
Mở rộng không gian
– Vật liệu kính làm nới rộng không gian, không bị cảm giác ngăn chia, phô bày được nhiều thành phần kiến trúc khác. – Kính làm tăng hiệu quả thẩm mỹ không gian kiến trúc, tạo nên nhiều hiệu quả thị giác, hiệu quả chiếu sáng (cả chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo).
Nhược điểm:
– Khả năng chịu lực kém, dễ vỡ; và khi vỡ không an toàn (gây sát thương).
– Kính (thời gian đầu) khó tạo ra những mặt hình học khác ngoài mặt phẳng, khó tạo những chu vi phức tạp. – Kính cũng dễ bị phá hủy khi xảy ra chấn động cơ học, cháy nổ… hơn so với các loại vật liệu khác. – Kính còn tạo ra hiệu ứng nhiệt (hiệu ứng lồng kính) – là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến bản thân môi trường công trình và cả môi trường ở phạm vi lớn.
Tuy nhiên, với tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới như hiện nay, hầu hết các nhược điểm về kỹ thuật của kính đã được giải quyết. Vấn đề còn lại là sự sáng tạo và sử dụng hợp lý vật liệu này của kiến trúc sư và các nhà xây dựng.
[Để xem các tin bài khác cùng chủ đề “Cẩm nang xây nhà”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Nhà Đẹp kiến trúc)