Đồ gỗ EU: Hội nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Tháng bảy 18 03:55 2018

Sản xuất đồ nội thất của khu vực EU hiện chiếm ¼ tổng sản lượng thế giới. Là khu vực phát triển năng động, sức tiêu thụ đồ nội thất của khu vực này cũng chiếm gần 25% tổng tiêu thụ của toàn thế giới.

Thị phần về sản xuất đồ nội thất của khu vực này so với thế giới cũng liên tục tăng trong thập kỷ qua và giá trị sản xuất đồ gồ năm 2012 vẫn duy trì ổn định, không thay đổi nhiều so với 10 năm trước mặc dù khu vực này đang phải trải qua những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Theo nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp (CSIL), khoảng 85% các công ty nội thất của EU là những công ty siêu nhỏ, có chưa đến 10 nhân viên, nhưng EU vẫn được coi là “mái nhà” của hơn 84 trong tổng số Top 200 nhà sản xuất nội thất lớn nhất thế giới.Những công ty này đến từ khu vực Tây Âu và Trung Đông Âu, cụ thể tập trung chủ yếu (theo thứ tự giảm dần) tại Đức, Italy, Thụy Điển, Pháp, Anh, Ba Lan, Phần Lan, Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Lithuania, Tây Ban Nha và Rumani.

Các công ty lớn về quy mô (nhiều lao động) thường có được doanh số rất cao khoảng 20 tỷ euro. Hoạt động của những công ty này có phạm vi rất rộng, có những công ty còn xây dựng nhà máy ở các nước ngoài khu vực EU như Trung Quốc, Nga, Ukrana, Belarus và Hoa Kỳ. Chiến lược được các công ty này sử dụng trong thời kỳ khủng hoảng gồm tinh giản biên chế (với việc đóng cửa một số nhà máy và cắt giảm nhân công), tối ưu hóa quá trình sản xuất, gia tăng việc thuê ngoài tại châu Á, đầu tư thêm vào các kênh phân phối hiện tại và kênh bán lẻ mới (mở thêm cửa hàng ở các nền kinh tế đang nổi) và xây dựng thương hiệu.

Các nhà sản xuất đồ nội thất EU đã hình thành những xu hướng mới ở cấp độ toàn cầu về mặt thiết kế và cải tiến sản phẩm, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của khu vực và vai trò của ngành sản xuất nội thất giữa các nước trong khu vực cũng có những nét không tương đồng.

Khu vực Tây Âu và Trung Đông Âu: hai khu vực phát triển năng động

Khu vực Tây Âu (gồm 15 nước) chiếm gần 80% tổng sản lượng đồ nội thất của EU (tăng 10% so với 10 năm về trước). Trong khi thị phần về sản lượng đồ nội thất của khu vực Trung Đông Âu tăng hơn 50% so với 10 năm trước, tăng trưởng mạnh nhất tại Ba Lan, Rumani, Lithuania và Slovakia. Tuy nhiên, nếu xét về mặt giá trị, thì khu vực Tây Âu cao hơn nhiều so với khu vực Trung Đông Âu vì hoạt động sản xuất của các công ty khu vực Tây Âu còn được mở rộng sang các nước ngoài EU (không chỉ tại châu Á mà còn tại khu vực Đông Âu). Tính cạnh tranh của các công ty Tây Âu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng thâm nhập thị trường mới của các nhà sản xuất đồ nội thất để bù đắp những điều kiện khó khăn của thị trường trong nước. Điều này giải thích lí do vì sao ngày càng nhiều công ty ở khu vực Tây Âu nhắm tới các thị trường mới nổi đang phát triển nhanh, nơi tập trung nhóm khách hàng tiêu dùng năng động và ưa thích mua sắm đặc biệt là đồ nội thất.

Đức được coi là quốc gia có doanh số đồ nội thất cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đây cũng là thị trường lớn thứ hai thế giới về nhập khẩu đồ nội thất, sau Hoa Kỳ; đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu đồ nội thất, đứng thứ 3 về tiêu thụ và sản xuất đồ nội thất, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo số liệu của Eurostat, hiện tại có khoảng 9.000 công ty sản xuất đồ nội thất đang hoạt động tại quốc gia này.

Với hơn 20.000 doanh nghiệp, chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa, trước năm 2012, Italy cũng là nước sản xuất đồ nội thất lớn nhất tại EU. Ngành nội thất nước này chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng sản xuất của cả nước (2,5%), thể hiện số lượng các cụm công nghiệp ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, hoạt động của các cụm công nghiệp tại nước này không đồng nhất trong vài năm trở lại đây vì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu cũng như tính chuyên môn hóa trong thiết kế sản phẩm.

Sản xuất đồ nội thất tại khu vực Trung Đông Âu tăng nhanh chủ yếu là do hoạt động xuất khẩu với những thuận lợi như việc thúc đẩy dòng hàng xuất nhập khẩu trong nội bộ các nước EU, việc phân mảnh hoạt động sản xuất và thương mại đối với các phụ liện và linh kiện liên quan đến đồ nội thất ở các nước trong và ngoài EU. Tính đến hiện tại, Ba Lan là quốc gia xuất khẩu đồ nội thất hàng đầu với kim ngạch năm 2012 là trên 6 tỷ euro, chiếm 79% tổng sản lượng của cả nước.

Trong những năm qua, Ba Lan đã không ngừng nâng cao vị thế của mình trên thị trường quốc tế, trở thành nước sản xuất đứng thứ 7 thế giới và đứng thứ 4 về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc, Đức và Italy. Hiện cả nước có hơn 24.000 doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất, tạo công ăn việc làm cho hơn 160.000 lao động. Nếu xét về phạm vi địa lý thì phần lớn các doanh nghiệp nội thất tập trung tại các vùng như Wielkopolskie, Mazowieckie và Małopolskie.

Rumani là nước sản xuất đồ nội thất lớn thứ hai tại khu vực Trung Đông Âu với doanh số năm 2012 là 1,5 tỷ euro. Các doanh nghiệp nội thất chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp 1,2% trong tổng GDP cả nước năm 2012. Ngành nội thất nước này đã có sự tăng trưởng lớn trong 10 năm qua (2002-2012) thể hiện ở (i) tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,3%, (ii) hoạt động sản xuất phục hồi nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009; và (iii) xuất khẩu tăng mạnh. Tỷ lệ xuất khẩu/sản lượng năm 2012 là 88% được coi là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Tại khu vực Trung Đông Âu, Cộng hòa Séc là quốc gia đứng thứ 3 về sản xuất đồ nội thất với doanh số năm 2012 là 1,4 tỷ euro và đứng thứ 2 về tiêu thụ mặt hàng này với tổng tiêu dùng năm 2012 là 1,3 tỷ euro. Tập trung chủ yếu của ngành nội thất là khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ với số lượng lao động trung bình trên dưới 10 người. Nếu so với Ba Lan và các nước khác trong khu vực, đầu tư nước ngoài vào ngành nội thất tại Séc không cao, mà 90% là thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nội địa.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường EU”, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo Vietrade – 11/2013)

Bình luận hay chia sẻ thông tin