Vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2009, mới bắt đầu hồi phục được một thời gian ngắn, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu lại đang gặp khó.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng, đồng thời phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khắt khe hơn từ các thị trường xuất khẩu – các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Giá nguyên liệu gia tăng Theo Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai, gỗ nguyên liệu mà các doanh nghiệp trên địa bàn này (chiếm tới hơn 60% số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của cả nước) đang phải mua vào đã tăng 20 – 30% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong khi đó, các doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm, vì hợp đồng xuất khẩu đã ký từ trước đó nhiều tháng. Không chỉ giá nguyên liệu tăng cao, các doanh nghiệp bán nguyên liệu thô này lại yêu cầu trả đủ tiền ngay mới giao hàng.
Có văn bản “kêu cứu” gửi tới các cơ quan chức năng, Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai cho rằng, giá nguyên liệu tăng đột biến là do nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở Trung Quốc đang gom nguyên liệu từ Đồng Nai, Bình Dương để đưa sang Trung Quốc. Đặc biệt, các nguyên liệu gỗ tràm, cao su đã được xẻ thành phách nhỏ, sấy khô và dán ép thành ván tấm, hoặc sơ chế dưới dạng ván sàn, gỗ ghép để khi xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế thuế suất xuất khẩu bằng 0% (vì đã thành “gỗ tinh chế”). Với chiêu này, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể thu mua nguyên liệu với giá cao mà vẫn có lời.
Khó chồng khó Không dừng ở đó, theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ngoài đạo Luật Lacey (có hiệu lực từ 1/4/2010; đòi hỏi các nhà nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ cần khai báo nguồn gốc, địa danh, quốc gia nơi khai thác gỗ và tên các cây gỗ trong thành phần sản phẩm đồ gỗ nội thất); hiện nay EU cũng đang soạn thảo Quy định về trách nhiệm giải trình (DDR). Khi quy định này được thực hiện, tất cả các nhà sản xuất và nhập khẩu tại EU phải chứng minh tính hợp pháp của gỗ để đảm bảo họ không kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp.
Trong khi đó, Mỹ và EU là hai thị trường tiêu thụ tới 70% đồ gỗ nội thất xuất khẩu của Việt Nam. Những quy định nêu trên sẽ làm cho đồ gỗ Việt Nam rất khó có cơ hội thâm nhập vào các thị trường này.
Cơ hội cho Việt Nam Năm 2003, Cộng đồng châu Âu đã ban hành Kế hoạch hành động thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại (gọi tắt là FLEGT). Kế hoạch hành động này đã đề ra một loạt các phương án mà khi thực hiện ngành công nghiệp của các nước tham gia xuất khẩu sản phẩm vào thị trường EU – trong đó có Việt Nam – sẽ được hưởng những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và tư vấn.
Hiện EU đã và đang tiến hành đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện với một số nước trên thế giới. Khi các nước chính thức tham gia đàm phán với EU về Hiệp định này, EU sẽ có hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính. Khi quá trình đàm phán kết thúc và Hiệp định được ký kết, các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào thị trường EU sẽ được coi là hợp pháp và thỏa mãn DDR. Điều này tạo hành lang thông thoáng cho đồ nội thất nhập khẩu vào thị trường EU và giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm. Hiện nay, hầu hết các nước khu vực Đông Nam Á đã chính thức tham gia đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện với EU. Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, Hiệp hội gỗ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì khẩn trương triển khai việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về FLEGT và đạo Luật Lacey; chính thức tham gia tiến trình đàm phán với EU để hình thành một hình thức hợp tác song phương nhằm giải quyết những trở ngại trong việc sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm gỗ.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai, các cơ quan chức năng cần rà soát lại những mặt hàng gỗ được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu 0%. Cụ thể, khi thông quan mặt hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hàng hóa nhất thiết phải được kiểm tra để phân biệt đúng hàng mộc tinh chế hay là gỗ nguyên liệu giả tinh chế.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Báo Doanh nhân – 04/08/2010)