Một thời gian dài, các doanh nghiệp gỗ chỉ tập trung làm hàng xuất khẩu, bỏ quên thị trường nội địa, nay phải chật vật tìm đường quay lại sân nhà
Theo Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 3,4 tỉ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ngay tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp (DN) lại bỏ ngỏ cho hàng ngoại nhập chiếm lĩnh.
Nhường cho nước ngoài
Theo kết quả một số cuộc điều tra, khảo sát thị trường của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) hồi đầu năm, hiện chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của DN Việt Nam, còn lại 80% là sản phẩm của Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…
Lạc quan hơn, theo Hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TPHCM (HAWA), đồ gỗ Việt Nam hiện chiếm hơn 50% thị trường nội địa nhưng chủ yếu là sản phẩm của các công ty nhỏ, siêu nhỏ hoặc hộ gia đình. Các công ty, cơ sở này chủ yếu gia công cho DN lớn hoặc sản xuất đơn giản, ký gửi sản phẩm tại các cửa hàng đồ dùng nội thất, làm theo đặt hàng của khách là hộ gia đình…
Khách hàng tham quan phòng trưng bày đồ gỗ xuất khẩu của Thiên Ấn (TPHCM). Ảnh: HỒNG THÚY
Tại Hội chợ Đồ gỗ và Thủ công mỹ nghệ 2012 (Expo 2012) diễn ra ở TPHCM đầu tháng 10, gần 90% trong tổng số 100 DN tham gia triển lãm là DN nhỏ và vừa. Mục tiêu của các DN này là thông qua hội chợ để đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng trong nước hơn. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA, cho biết các DN trong ngành đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội bán hàng tại thị trường nội địa. Một số DN như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát… bước đầu đã có hệ thống phân phối riêng, tuy còn khá nhỏ lẻ…
Tuy nhiên, tổng giám đốc một DN xuất khẩu gỗ lớn nhận xét trong bối cảnh sức mua của thị trường thế giới giảm đáng kể, một số DN gỗ quay về thị trường nội địa nhưng vẫn loay hoay vì chưa tạo được sản phẩm có thiết kế phù hợp, không nắm bắt được xu hướng, nhu cầu khách hàng và chưa có hệ thống phân phối và giá bán hợp lý.
Ngay như Công ty Gỗ Đức Thành vốn có thế mạnh về đồ dùng nhà bếp bằng gỗ và đồ chơi gỗ, ít bị cạnh tranh, được khách hàng ưa chuộng nhưng vẫn chưa phát triển mạnh tại thị trường nội địa. Ông Lê Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành, thừa nhận: Hiện doanh thu nội địa chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của công ty.
“Chết” ở khâu phân phối
“Tại thị trường nội địa chưa có những DN phân phối độc quyền, chuyên nghiệp nên Đức Thành vừa phải sản xuất vừa lo phân phối nên rất tốn kém nguồn lực, không chuyên môn hóa… gây trở ngại lớn cho chúng tôi” – ông Lê Hồng Thắng chia sẻ.
Khó khăn của Công ty Gỗ Đức Thành cũng là thực trạng chung của các DN ngành chế biến gỗ. Nhiều DN xuất khẩu rất mạnh nhưng khi tiếp cận thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn vì hệ thống phân phối quá manh mún.
Theo báo cáo của Cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT), các DN gỗ lớn lâu nay chưa có sự quan tâm đúng mức đối với thị trường trong nước, đến khi muốn quay lại nội địa thì không đủ lực và kiên nhẫn để xây dựng lại từ đầu.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, nhận xét hầu hết DN ngành gỗ Việt Nam chưa đủ tiềm lực, kiên nhẫn để làm việc này bởi đầu tư vào đây sẽ tốn nhiều tiền, thời gian thu hồi vốn chậm. Thế nhưng nếu không nhanh chân xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp ngay từ bây giờ thì sẽ để vuột mất cơ hội “tái chiếm” sân nhà.
Hiện tại, các tập đoàn nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống phân phối chuyên nghiệp đã nhận ra điểm yếu này của các DN Việt và đang từng bước tiếp cận. Thái Lan, Malaysia đã mở cửa hàng phân phối tại TPHCM. Đến năm 2015, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với cam kết AFTA (Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN), gỡ bỏ hoàn toàn một số dòng thuế đối với hàng hóa của các nước trong khu vực. Đến lúc đó, khả năng cạnh tranh trên sân nhà là rất khó.
Không thể mãi tự sản tự tiêu
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, DN muốn thành công tại thị trường nội địa thì phải nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Lý tưởng nhất là có một hệ thống phân phối chuyên nghiệp thay vì chôn nhiều vốn và hoạt động kiểu “tự sản tự tiêu” như lâu nay. Chẳng hạn, nếu có hệ thống phân phối (kiểu siêu thị nội thất) tại 63 tỉnh, thành, 1 DN chỉ cần sản xuất 1 kiểu bàn, bán cho 63 tỉnh, thành và giả sử mỗi tỉnh, thành chỉ tiêu thụ 80 bộ bàn… doanh thu mang về cho DN sẽ rất lớn.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo NLĐ Online – 11/10/2012)