Sản phẩm đồ gỗ sản xuất tại Việt Nam ngày càng khẳng định chất lượng cao, xuất khẩu (XK) mạnh sang các thị trường khó tính như EU và Mỹ. Thế nhưng người tiêu dùng trong nước lại hầu như không tiếp cận được những dòng sản phẩm chất lượng tốt này. Trong khi đồ gỗ chất lượng kém từ nước ngoài tràn vào Việt Nam, “làm mưa, làm gió” trên thị trường và bán với giá đắt.
Xin ông cho biết đôi nét về thị trường đồ gỗ nước ta hiện nay?
Tổng tiêu thụ đồ gỗ của Việt Nam đã đạt 2,7 tỷ USD và năm 2012 và vươn tới 3 tỷ USD trong năm 2013. Dự báo trong những năm tới nhiều khả năng nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ, chủ yếu đến từ thị trường BĐS (chiếm đến 40% tiêu thụ đồ gỗ nội địa), sẽ hồi phục và tăng trưởng.
Thế nhưng, nguồn sản phẩm gỗ trong nước cung cấp cho thị trường nội địa hầu như phó mặc cho làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ và phục vụ xây dựng có chất lượng sản phẩm không đồng đều, mẫu mã hạn chế. Đáng buồn, tiêu dùng đồ gỗ ở nước ta có tới 60% phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Hiện thị trường đồ gỗ bị sản phẩm nước ngoài chi phối, tràn ngập sản phẩm nhập khẩu từ các nước Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… Đang có hiện tượng nhà phân phối đồ gỗ, trang trí nội thất của Thái Lan “lặng lẽ” đi mua lại mặt bằng, cơ sở vật chất của các cơ sở nhỏ trong nước để mở rộng mạng lưới sản xuất và tiêu thụ tại Việt Nam.
Như vậy, sản phẩm đồ gỗ nước ta chất lượng thua kém so với sản phẩm phẩm nhập khẩu nên mới bị thất thế, thưa ông?
Trái lại, sản phẩm đồ gỗ nước ta vượt trội hơn hẳn đồ gỗ của các nước trong khu vực, ngày càng thỏa mãn yêu cầu của các thị trường khó tính như EU và Mỹ. Bằng chứng, XK sản phẩm gỗ của nước ta đạt 5,7 tỷ USD trong năm 2013. Hiện Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.
Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Việt Nam rất kém về chất lượng, tràn vào làm mưa làm gió trên thị trường. Đến nay, đồ gỗ ngoại tiêu thụ trong nước chưa có quy định về gỗ hợp pháp. Các tiêu chuẩn về hàm lượng chì trong hóa chất xử lý bề mặt sản phẩm gỗ, tiêu chuẩn chất phân hủy trong keo để tạo ra chất dính xử lý gỗ (chất có thể gây ung thư) cũng chưa có. Đây là “khe hở” để sản phẩm nước ngoài tuồn hàng có chất độc hại, cũng như sử dụng nguồn gỗ không hợp pháp để cạnh tranh. Vậy nguyên nhân ở đâu, thưa ông?
Trong số hơn 2.500 doanh nghiệp tham gia XK đồ gỗ hiện nay, số đơn vị chịu đầu tư khai thác thị trường nội địa chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Có thể nói, doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam đã tự bỏ trống thị trường nội địa. Các doanh nghiệp đồ gỗ nước ta có năng lực sản xuất lớn, nhưng lại kém về khâu kinh doanh và phân phối sản phẩm. Với việc XK, doanh nghiệp luôn có hợp đồng ổn định với số lượng khá lớn, đa phần họ chỉ tập trung vào sản xuất rồi xuất bán cho đối tác nước ngoài theo những đơn hàng lớn. Còn việc đối tác phân phối trên thị trường ra sao, doanh nghiệp nước ta không cần biết.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores)
Việc tiêu thụ hàng trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp nước ta vô cùng lúng túng, do kênh phân phối hoàn toàn tự phát. Doanh nghiệp muốn tiêu thụ hàng nội địa, không chỉ chế biến, mà còn phải tự vận chuyển, tìm nơi tiêu thụ. Hầu như phải tự làm tất cả và không ai ký hợp đồng dài hạn.
Trong khi đó, khi làm hàng XK, họ không phải tốn công sức thiết lập những công việc này. Nhà nhập khẩu thường đưa đơn hàng, mẫu thiết kế sẵn và họ chỉ việc sản xuất, sau đó giao hàng lấy tiền. Quay về nội địa nếu muốn sản phẩm có chỗ đứng, bắt buộc phải tốn thêm nhiều chi phí đầu tư. Trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp nước ta còn thua thiệt, bởi chính sách thuế bất hợp lý của Nhà nước.
Hơn chục năm nay, Nhà nước chỉ chú trọng và tạo điều kiện cho việc XK sản phẩm gỗ,… trong khi doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nội địa phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%… Trong những năm tới, gỗ nội địa sẽ càng yếu thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Thời điểm năm 2015 cận kề, hàng hóa từ các nước trong khối ASEAN sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%, trong đó có các mặt hàng đồ gỗ. Hàng hóa nhập khẩu không thuế sẽ kích thích tiêu dùng các sản phẩm nói trên, khi đó bất kỳ món đồ gỗ nào được nhập khẩu cũng sẽ trở nên “hấp dẫn” đối với người tiêu dùng.
Vậy giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp XK đồ gỗ cũng tham gia cung cấp hàng cho thị trường nội địa?
Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải tìm cách đưa sản phẩm của mình ra thị trường nội địa, tìm chỗ đứng vững chắc, nếu không sẽ chậm chân. Các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kế hoạch dài hạn, gia tăng chất lượng, dịch vụ hỗ trợ khách hàng, cần có chiến lược quảng bá thương hiệu, chất lượng bài bản, tạo sản phẩm chất lượng cao.
Về phía Nhà nước, cần phải xem xét lại chính sách thuế và có chính sách thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Thời gian qua Vifores đã lên tiếng với các bộ ngành có liên quan về việc doanh nghiệp Việt Nam XK phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, nhưng người tiêu dùng nội địa thì đang phải đối mặt với sản phẩm nhập khẩu có chất lượng bị thả nổi. Vì vậy sắp tới Vifores cũng sẽ đề xuất xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu để người tiêu dùng nội địa không bị thiệt thòi.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Thời báo Kinh Doanh)