Hồ sơ thị trường Nhật Bản (Phần 5)

Tháng bảy 18 03:55 2018

Bạn đang theo dõi phần 5 của loạt bài “Hồ sơ thị trường Nhật Bản”, để theo dõi phần 4 vui lòng nhấn vào đây.

 6. Quy định về tiêu chuẩn đối với hàng hóa dịch vụ
Người Nhật có thói quen đưa ra quyết định mua hàng căn cứ vào dấu chất lượng trên bao bì. Họ coi đó như là sự đảm bảo độ tin cậy về chất lượng hàng hoá được mua. Các nhà xuất khẩu có ý định thâm nhập vào thị trường Nhật Bản cần có được dấu chứng nhận JIS, JAS hoặc Ecomark cũng như chế độ xác nhận trước về thực phẩm nhập khẩu các loại khác cho sản phẩm của mình để đảm bảo rằng các sản phẩm này có được tiêu chuẩn tối thiểu tại thị trường Nhật, từ đó dễ dàng cho việc tiêu thụ hàng hoá. Hơn nữa, thực tế cho thấy nếu chất lượng của một sản phẩm đã được thị trường Nhật chấp nhận thì sản phẩm đó hoàn toàn có thể cạnh tranh được ở các thị trường khác.

Hình minh họa từ internet

Quy định tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản-JIS

Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản JIS là một trong những tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi ở Nhật. Tiêu chuẩn này dựa trên “Luật tiêu chuẩn hóa công nghiệp” được ban  32 hành vào tháng 6 năm 1949 và thường được biết tới dưới cái tên “dấu chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản” hay JIS. Hệ thống JIS đã góp phần vào việc mở rộng tiêu chuẩn hóa trên phạm vi toàn bộ nền công nghiệp Nhật Bản. 

Theo quy định của điều 26 trong Luật Tiêu chuẩn hóa ông nghiệp, tất cả các cơ quan của Chính phủ phải ưu tiên đối với sản phẩm được đóng dấu chất lượng JIS khi mua hàng hóa để phục vụ cho hoạt động của các cơ quan này.

Hệ thống tiêu chuẩn JIS áp dụng đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp và khoáng sản, trừ những sản phẩm được áp dụng các tiêu chuẩn chuyên ngành như dược phẩm, phân hóa học, sợi tơ tằm, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác được quy định trong Luật về tiêu chuẩn hóa và dán nhãn các nông lâm sản (viết tắt là JAS). Do đó khi kiểm tra các sản phẩm này chỉ cần kiểm tra dấu chất lượng tiêu chuẩn JIS là đủ xác nhận chất lượng của chúng.

Giấy phép đóng dấu chứng nhận tiêu chuẩn JIS trên hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp cấp cho nhà sản xuất.

Những ai cố ý đóng dấu chất lượng JIS lên hàng hóa mà không phải là nhà sản xuất đã được Bộ trưởng Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp cấp giấy phép sẽ phải chịu án tù tới 1 năm hoặc nộp phạt tới 500,000 Yên.

Địa chỉ liên hệ gửi hồ sơ và đơn xin cấp giấy phép sử dụng dấu chất lượng JIS: Bộ Tiêu chuẩn, Phòng Tiêu chuẩn Cục Khoa học và Công nghệ Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp 1-3-1 Kasumigaseki, chiyoda – KU, Tokyo, Japan.

Quy định tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản- JAS

Luật tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản – JAS quy định các tiêu chuẩn về chất lượng, đưa ra các quy tắc về việc ghi nhãn chất lượng và đóng dấu chất lượng tiêu chuẩn JAS. Ngày nay hệ thống JAS đã trở thành cơ sở cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn các thực phẩm chế biến.

Danh sách các sản phẩm được điều chỉnh bởi luật JAS gồm: đồ uống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, mỡ, các nông lâm sản chế biến. 

Tuy nhiên hiện nay không phải tất cả các sản phẩm đều được liệt kê trong danh sách các sản phẩm do luật JAS điều chỉnh nhưng các tiêu chuẩn JAS bao quát cả các sản phẩm được sản xuất trong nước và các sản phẩm nhập khẩu. Đa số các sản phẩm như thực phẩm đóng hộp, nước hoa quả, các sản phẩm chế biến từ cà chua, dấm bỗng, thịt lợn hun khói được sản xuất tại Nhật đều mang dấu chất lượng JAS.

Việc sử dụng dấu chứng nhận phẩm chất JAS trên nhãn hiệu sản phẩm là tự nguyện và các nhà sản xuất cũng như các nhà bán lẻ không bị bắt buộc phải sản xuất hay kinh doanh các sản phẩm có chất lượng tiêu chuẩn JAS.

Một sản phẩm bị buộc phải tuân theo các quy định về dán nhãn chất lượng JAS khi có đủ các điều kiện sau:
– Sản phẩm phải là nông sản đã có hoặc trong tương lai gần sẽ có một tiêu chuẩn JAS được quy định cho nó.
– Sản phẩm đó phải là sản phẩm có chất lượng khó xác định. Là sản phẩm mà người tiêu dùng cần được biết chất lượng của nó trước khi quyết định mua.
– Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đặt ra các tiêu chuẩn về việc ghi nhãn chất lượng và buộc tất cả các nhà sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn đó, các quy định này được áp dụng đối với cả các sản phẩm nhập khẩu. 

Quy định tiêu chuẩn môi trường Ecomark
Vấn đề môi trường đang được sự quan tâm của người tiêu dùng Nhật Bản. Cục Môi trường Nhật Bản đang khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm không làm hại môi sinh (kể cả các sản phẩm trong nước cũng như nhập khẩu). Các sản phẩm này được đóng dấu “Ecomark”. 

Để được đóng dấu Ecomark, sản phẩm phải đạt được ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau:
– Việc sử dụng sản phẩm đó không gây ô nhiễm môi trường hoặc có nhưng ít.
– Việc sử dụng sản phẩm đó mang lại nhiều lợi ích cho môi trường.
– Chất thải sau khi sử dụng không gây hại cho môi trường hoặc gây hại rất ít.
– Sản phẩm đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ môi trường ngoài các cách kể trên.
– Một số quy định và dấu chứng nhận chất lượng khác
– Ngoài tiêu chuẩn JIS và JAS còn có nhiều loại dấu chất lượng khác được sử dụng ở Nhật.

8. Thành lập doanh nghiệp
Một phương pháp hữu hiệu khác để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường Nhật Bản là thành lập liên doanh với một công ty của Nhật. Ban đầu, chi nhánh hay liên doanh có thể chỉ tham gia vào việc bán các hàng hóa được nhập khẩu nhưng sau đó sẽ xây dựng nhà máy để sản xuất sản phẩm tại Nhật.

Văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện không yêu cầu đăng ký (trừ khi bạn hoạt động trong lĩnh vực tài chính hay năng lượng nguyên tử). Chức năng của văn phòng là cung cấp thông tin, liên lạc, phát triển kế hoạch kinh doanh, không được sử dụng làm mục đích buôn bán.

Các nhà xuất khẩu muốn thu thập thông tin hoặc muốn tạo các điều kiện thuận lợi cho các công việc tiếp xúc với đối tác và khách hàng tại Nhật nên có văn phòng đại diện của mình. Nó sẽ trở thành cầu nối để có thể thực hiện việc thu thập các cơ sở dữ liệu và các thông tin khác đồng thời cung cấp các hình thức xúc tiến và dịch vụ kỹ thuật cần thiết. Văn phòng đại diện không bị đánh thuế và cũng không cần phải có các thủ tục xin phép phức tạp. Tuy nhiên, văn phòng đại diện không được can thiệp vào các giao dịch thương mại thậm chí cũng không được thực hiện nhận đơn đặt hàng một cách trực tiếp. Văn phòng đại diện có thể cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các đại lý và thực hiện tất cả các hoạt động marketing trừ việc bán hàng.

Văn phòng chi nhánh
Văn phòng chi nhánh hoạt động giống như công ty, có nghĩa vụ đóng thuế như công ty liên doanh. Khi đăng ký Văn phòng chi nhánh phải có giấy chứng nhận về công ty mẹ và các tài liệu liên quan. Tuy nhiên, thành lập Văn phòng chi nhánh có nhược điểm là hoạt động kinh doanh bị hạn chế số lượng nhà cung cấp, khách hàng và nhân viên. Việc này đã ảnh hưởng đến việc bán hàng và thành công của đối tác tại Nhật Bản. 

Công ty liên doanh
Nói chung, các công ty nước ngoài đều lựa chọn hình thức kinh doanh này. Thời gian để hoàn tất thủ tục đăng ký mở công ty liên doanh trong vòng 3 tháng, phải đăng ký đầu tư trực tiếp, vì khoản thuế đóng 3 năm đầu sẽ được tích gộp trong 10 năm sau.

Công ty liên doanh gửi cho bạn bản cam kết bạn làm gì ở Nhật Bản. Việc sở hữu hoàn toàn công ty liên doanh cũng cho bạn quyền mở công ty con ở Nhật Bản, đảm bảo về dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng trông đợi. Bạn nên biết rằng, loại hình đầu tư đầu tiên của bạn ở Nhật Bản, dù là cổ phần hay cho vay trong nội bộ công ty, được định mức theo các mức thuế khác nhau. 

Thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản

Để thành lập văn phòng đại diện ở Nhật Bản do người nước ngoài cư trú tại Nhật làm đại diện cần phải tuân thủ theo các thủ tục sau: 

Được cấp giấy chứng nhận cư trú (status of residence) và thị thực làm việc (working visa) tại Nhật. Điều kiện để được cấp những giấy tờ này là phải:
– Thành lập văn phòng đại diện.
– Tuyển dụng từ hai nhân viên Nhật trở lên.

– Xin cấp chứng nhận cư trú tại Cục Quản lý Nhập cảnh thuộc Bộ Tư pháp. (Đề nghị liên hệ với JETRO để xin mẫu đơn.)
– Đệ trình giấy chứng nhận địa vị cư trú lên lãnh sự quán Nhật Bản tại quốc gia có công ty mẹ để xin cấp thị thực làm việc.
– Sau khi vào Nhật Bản, người đại diện sẽ xác định vị trí cư trú và thực hiện thủ tục đăng ký cho người nước ngoài.
– Mở tài khoản ngân hàng.
– Đăng ký các thông tin về nhân viên với cơ quan giám sát tiêu chuẩn lao động (labor standards inspection office), cơ quan an toàn lao động công cộng (public employment security office), và cơ quan bảo hiểm xã hội (social insurance office).
– Chức năng hoạt động của văn phòng đại diện
– Cung cấp thông tin cho công ty mẹ tại nước sở tại.
– Quảng cáo và quảng bá
– Nghiên cứu thị trường
– Mua và lưu giữ tài sản cho công ty mẹ

Lưu ý: Các văn phòng đại diện không được phép tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Văn phòng đại diện muốn tiến hành các hoạt động kinh doanh cần phải thực hiện các thủ tục xin thành lập chi nhánh hoặc thành lập công ty.

Thủ tục đăng ký thành lập chi nhánh tại Nhật Bản
Để nộp đơn đăng ký, người đại diện tại Nhật phải có mặt tại cơ quan đăng ký của Cục Tư pháp (Legazal Affairs Bureau) tại địa phương mà cơ sở kinh doanh dự kiến hoạt động và tuân theo các thủ tục cần thiết. (Việc nộp đơn này có có thể ủy quyền cho luật sư của người đại diện tại Nhật nộp, trong trường hợp này phải xuất trình giấy ủy quyền).

Người nộp đơn phải điền đầy đủ và nộp “Đơn xin Đăng ký Thành lập Văn phòng Kinh doanh của Công ty Nước ngoài” (Mẫu liên hệ với JETRO), đóng dấu đã đăng ký hoặc chữ ký đã được chứng thực. Những nội dung được đăng ký này là để phân biệt loại hình của công ty trong số những loại hình được quy định trong Luật thương mại và Luật Công ty Trách nhiệm Hữu hạn của Nhật mà những loại hình này giống hoặc tương tự với loại hình của người nộp đơn.

Những tài liệu cần thiết: Ngoài mẫu đơn và giấy đăng ký, những tài liệu sau cần phải được nộp kèm theo:
– Giấy chứng nhận về sự tồn tại của trụ sở chính của người nộp đơn (chẳng hạn như giấy đăng ký kinh doanh tại nước sở tại hoặc các giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền);
– Các tài liệu xác nhận trách nhiệm của người đại diện tại Nhật (chẳng hạn như thư bổ nhiệm của người nộp đơn hoặc hợp đồng); Quy chế của công ty hoặc những tài liệu tương tự nêu rõ mục tiêu kinh doanh của người nộp đơn.
– Những tài liệu trên phải được chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền, chẳng hạn như Lãnh sự quán tại Nhật Bản. Bản tuyên thệ (Affidavit) (mẫu xin liên hệ với JETRO) do người đại diện lập tại Lãnh sự quán của nước người nộp đơn tại Nhật.
– Tất cả các tài liệu tiếng nước ngoài đều phải được dịch ra tiếng Nhật và đính kèm cùng tài liệu gốc.
– Phải nộp đơn xin thay đổi cho bất kỳ một thay đổi nào của những nội dung đã đăng ký.
– Phí đăng ký: áp dụng đối với trường hợp thành lập văn phòng kinh doanh của công ty nước ngoài là 90,000 Yên cho một văn phòng.
– Khi văn phòng kinh doanh thuê nhân viên và bắt đầu các hoạt động kinh doanh thì cần phải tuân thủ các điều khoản về luật lao động, bảo hiểm xã hội, luật công ty và luật thuế hiện hành, ngoài ra còn phải tuân thủ các điều khoản của bất kỳ bộ luật nào điều chỉnh ngành kinh doanh cụ thể (mà ngành kinh doanh đó yêu cầu phải có giấy phép cụ thể, giấy phê chuẩn, thông báo hoặc đăng ký, tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh có liên quan) <mẫu xin liên hệ với JETRO>

9. Văn hóa kinh doanh
Giờ làm việc
Tuần làm việc từ Thứ Hai đến Thứ Sáu. Sáng từ 9h00’ – 12h00’, chiều từ 1h00’ – 5h00’. Nghỉ trưa 1 tiếng. Người Nhật Bản tuân thủ rất nghiêm túc giờ giấc. Trước 9h00’ sáng, người Nhật thường không có thói quen vừa dùng bữa sáng vừa bàn công việc nhưng gặp gỡ bàn việc vào sau 5h00’ chiều dễ được chấp nhận hơn. Các doanh nghiệp lớn của Nhật không chấp nhận gặp gỡ bàn việc vào ngày Thứ Bảy nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có thể mặc dù việc này không được hoan nghênh.

Các cửa hàng bán lẻ thường mở cửa từ 10h00’ sáng đến 7h00’ chiều vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả Thứ Bảy và Chủ Nhật. 

Một số nguyên tắc kinh doanh:

Hối lộ công chức là phạm luật.

Người Nhật rất coi trọng văn hóa và các nguyên tắc kinh doanh. Họ đặc biệt ứng xử rất lịch thiệp, tiêu chí này không chỉ để đánh giá sự tôn trọng lẫn nhau mà còn là tiêu chí để đánh giá một người trong xã hội Nhật Bản. Bạn sẽ được hỏi thăm và chúc mừng rất chu đáo, trong khi những người chủ nhà Nhật Bản lại thường rất khiêm tốn. Tất nhiên, bạn cũng sẽ được đánh giá cao nếu người Nhật nhận thấy sự khiêm tốn ở bạn (nhất là trước những lời khen ngợi). Các buổi gặp mặt làm việc thường diễn biến chậm, thời gian cuối buổi thường được dùng để ghi nhận những kết quả mà các bên đã đạt được. Thời gian giao lưu buổi tối thường sẽ đem lại cho bạn những phản hồi hữu ích. Người Nhật coi sự thiếu thẳng thắn là bất lịch sự. Ví dụ bạn nên đi ngay vào vấn đề khi bắt đầu buổi làm việc thay vì những lời mào đầu dài dòng. Tuy nhiên, khi người Nhật còn đang lưỡng lự, chưa thể có quyết định dứt khoát thì bạn nên kiên nhẫn, giữ bình tĩnh. 

Tiếng Anh không được sử dụng rộng rãi lắm trong đàm phán thương mại cũng như chính trị. Nếu tiếng Anh được chấp nhận sử dụng, bạn nên nói chậm và rõ ràng, diễn đạt đơn giản, không sử dụng thành ngữ. Những buổi đàm phán sử dụng tiếng Anh thường có phiên dịch.

Tuân thủ chính xác giờ giấc đặc biệt được người Nhật coi trọng. Bạn nên đến trước giờ hẹn ít nhất 5 phút. Trong trường hợp mà nhiều khả năng bạn đến muộn, nên gọi điện xin lỗi trước và đưa ra chính xác thời gian mà bạn có thể có mặt. Các cuộc gặp cần được lên lịch hẹn trước.

Bạn không nên đưa những người không liên quan (bạn bè, vợ, chồng, trẻ em,…) đến tham dự buổi làm việc, kể cả các buổi làm việc trong bữa tối. Các tài liệu giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ như catalog, profile nên được trao vào buổi gặp mặt đầu tiên. 

Danh thiếp được trân trọng cầm ở tay hoặc đặt trên bàn. Khi đến Nhật làm việc, bạn nên mang theo nhiều danh thiếp vì các buổi đàm phán thương mại luôn được khởi đầu bằng việc các bên trao danh thiếp cho nhau. Bạn nên lưu ý rằng với người Nhật, việc cho danh thiếp vào túi quần, túi áo hoặc viết lên danh thiếp là không thể chấp nhận được. Bạn nên làm danh thiếp với một mặt là tiếng Nhật nhưng không nên chuyển địa chỉ liên hệ sang tiếng Nhật vì như vậy có thể sẽ làm cho địa chỉ trở nên khó hiểu hơn. 

Cách sắp xếp chỗ ngồi trong các cuộc đàm phán với người Nhật cũng theo những thông lệ chung. Những nhân vật quan trọng nhất thường ngồi ở vị trí cách xa cửa ra vào nhất. Những vị trí gần cửa ra vào nhất thường dành cho những người hay phải đi lại. Nếu không chắc đâu là chỗ ngồi của mình, bạn có thể nán chờ giây lát hoặc hỏi xem bạn có thể ngồi ở đâu. 

Quà cáp với người Nhật là việc không cần thiết đặc biệt trong buổi gặp đầu tiên, kể cả các món quà đắt giá cũng sẽ không thích hợp. Khi các bên tìm được triển vọng trong quan hệ hợp tác làm ăn, bạn có thể tặng các món quà lưu niệm nho nhỏ, nếu mang dấu ấn của doanh nghiệp bạn thì càng tốt. Ví dụ như chiếc bút bi của doanh nghiệp hoặc một cái cà vạt. Việc mở gói quà trước mặt người tặng được xem là bất lịch sự.

Giải quyết những bất đồng: Người Nhật thường rất tránh khơi mào cho sự bất đồng. Họ có thể đưa ra những câu trả lời không rõ ràng hoặc thậm chí họ có thể trả lời đồng ý mặc dù họ không định thế. Điều đó có thể gây ra rắc rối về sau. Để giải quyết vấn đề này, bạn nên chuẩn bị sẵn một tài liệu nêu rõ ràng và ngắn gọn các điều khoản mà hai bên cần thống nhất và sử dụng nó như một biên bản ghi nhớ kết quả của mỗi buổi làm việc.

Người Nhật rất coi trọng sự sạch sẽ, khi giao tiếp với người Nhật bạn nên hết sức chú ý. Các tài liệu, hàng hóa, bao bì,… cần phải sạch sẽ, gọn gàng. Bao bì sản phẩm đúng tiêu chuẩn, hình thức đẹp, kích thước hợp lý sẽ tạo được sự lôi cuốn và tiện dụng cho người sử dụng.

Tập quán tiêu thụ

Nhật Bản được coi là một trong những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Thị hiếu tiêu dùng của người Nhật bắt nguồn từ truyền thống văn hóa và điều kiện kinh tế. Nhìn chung họ có óc thẩm mỹ cao, tinh tế do có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại hàng hóa dịch vụ trong và ngoài nước. 

Xu hướng tiêu dùng và sính đồ ngoại của người Nhật Bản ngày càng gia tăng. Sức tiêu thụ của thị trường này rất lớn, vào khoảng 3.000 tỷ Yên, bao gồm cả hàng gia dụng, trong đó hàng nhập khẩu chiếm tới 50%. Ví dụ: Một siêu thị lớn ở Tokyo bày bán 1.500 mặt hàng gia dụng và chỉ tính riêng lượng hàng hóa và khả năng tiêu thụ của một cửa hàng như vậy đã thấy được tỷ trọng hàng nhập khẩu có mặt ở đây lớn đến như thế nào. 

Đặc điểm tiêu dùng ở Nhật Bản là tính đồng nhất, 90% người tiêu dùng cho rằng họ thuộc về tầng lớp trung lưu. Nhìn chung người Nhật có những đặc điểm chung sau: 

Đòi hỏi cao về chất lượng: xét về mặt chất lượng, người tiêu dùng Nhật Bản có yêu cầu khắt khe nhất. Sống trong môi trường có mức sống cao nên người tiêu dùng Nhật Bản đặt ra những tiêu chuẩn đặc biệt chính xác về chất lượng, độ bền, độ tin cậy và sự tiện dụng của sản phẩm. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn một chút cho những sản phẩm có chất lượng tốt. Yêu cầu này còn bao gồm các dịch vụ hậu mãi như sự phân phối kịp thời của nhà sản xuất khi một sản phẩm bị trục trặc, khả năng và thời gian sửa chữa các sản phẩm đó. Những lỗi nhỏ do sơ ý trong khi vận chuyển, hay khâu hoàn thiện sản phẩm (ví dụ như những vết xước nhỏ, mẩu chỉ cắt còn sót lại trên mặt sản phẩm, bao bì xô lệch v.v…) cũng có thể dẫn đến tác hại lớn là làm lô hàng khó bán, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu lâu dài. Bởi vậy cần có sự quan tâm đúng mức tới khâu hoàn thiện, vệ sinh sản phẩm, bao gói và vận chuyển hàng hóa.

 Nhạy cảm với giá cả tiêu dùng hàng ngày: Người tiêu dùng Nhật Bản không chỉ yêu cầu hàng chất lượng cao, bao bì đảm bảo, dịch vụ bán hàng và dịch vụ sau bán hàng tốt mà còn muốn mua hàng với giá cả hợp lý. Những năm 80, người Nhật sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua những mặt hàng cao cấp có nhãn mác nổi tiếng, nhưng từ sau khi nền “kinh tế bong bóng” sụp đổ năm 1991, nhu cầu hàng hóa rẻ hơn đã tăng lên. Tuy nhiên, người tiêu dùng Nhật Bản vẫn có thể trả tiền cho những sản phẩm sáng tạo, chất lượng tốt mang tính thời thượng hay loại hàng được gọi là “hàng xịn”.

Tâm lý này cho đến nay vẫn không thay đổi nhiều. Không giống như ở Châu Âu, các bà nội trợ Nhật Bản vẫn đi chợ hàng ngày theo thói quen, giống các bà nội trợ Việt Nam, để mua hàng tươi sống, họ là lực lượng quan trọng ảnh hưởng đến thị hiếu tiêu dùng và hay để ý đến biến động giá cả và các mẫu mã mới. Người Nhật sẽ trả tiền để mua các mặt hàng có nhãn hiệu nổi tiếng, có chất lượng cao và thể hiện địa vị. Khách hàng có xu hướng ngày càng quan tâm đến việc mua các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng về chất lượng và giá trị.

Thời trang và thị hiếu về màu sắc: Có thời, người Nhật thích ăn mặc giống bạn bè hoặc thích sắm những đồ vật giống như đồ của các thành viên khác trong gia đình, trường học, câu lạc bộ hay nơi làm việc. Nhưng gần đây mọi thứ trở nên đa dạng hơn, xu hướng bây giờ là mua các mặt hàng khác nhau nhưng có cùng công dụng. Các mặt hàng thời trang nhập khẩu được ưa chuộng là những mặt hàng có nhãn hiệu nổi tiếng và có chất lượng. Tuy nhiên, trong khi ý thức về sự ưa chuộng các nhãn hiệu ở Nhật vẫn phổ biến thì giới thanh niên Nhật Bản ngày càng thiên về xu hướng căn cứ vào chất lượng và giá cả để mua hàng. Ở các gia đình truyền thống, người ta thích mầu nâu đất của nệm rơm và sàn nhà. Đối với thời trang của nữ thanh niên, màu sắc thay đổi tùy thuộc theo mùa.

Người Nhật rất nhạy cảm với những thay đổi theo mùa: Xuất phát từ yếu tố cạnh tranh, các nhà nhập khẩu Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến việc nhập được những sản phẩm hợp thời trang và hợp mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của các loại đối tượng khách hàng. Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông, mùa hè nóng và ẩm ướt, mùa đông lạnh và khô. Đặc điểm khí hậu ảnh hưởng đến khuynh hướng tiêu dùng. Quần áo, đồ dùng trong nhà, thực phẩm là những mặt hàng tiêu dùng có ảnh hưởng theo mùa. Việc bao gói sản phẩm cũng phải đảm bảo bảo vệ được sản phẩm trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.

Cùng với tác động của khí hậu, yếu tố tập quán tiêu dùng cũng cần phải được nghiên cứu và tham khảo trong kế hoạch khuếch trương thị trường tại Nhật Bản. Ví dụ hầu như các gia đình Nhật không có hệ thống sưởi trung tâm và để bảo vệ môi trường, nhiệt độ điều hòa trong nhà luôn được khuyến khích không để ở mức quá ấm (nhiệt độ cao) hoặc quá mát, bởi vậy quần áo trong nhà mùa đông của người Nhật phải dầy hơn áo dùng trên thị trường Mỹ, hoặc áo có lót là không phù hợp trong mùa hè. Thời trang phải phù hợp với từng mùa cả về mặt chất liệu và kiểu dáng. Khi xây dựng kế hoạch bán hàng, các doanh nghiệp phải tính đến cả sự khác biệt về thời tiết. 

Người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng sự đa dạng của sản phẩm: Hàng hóa có mẫu mã đa dạng phong phú thu hút được người tiêu dùng Nhật Bản. Vào một siêu thị của Nhật Bản mới hình dung được tính đa dạng của sản phẩm đã phổ biến đến mức nào ở Nhật. Ví dụ một mặt hàng dầu gội đầu nhưng bạn không thể đếm xuể được các chủng loại: Khác nhau do thành phần, màu sắc, hương thơm. Bởi vậy nhãn hiệu hàng có kèm theo những thông tin hướng dẫn tiêu dùng là rất quan trọng để đưa hàng của bạn tới người tiêu dùng. Tuy vậy, người Nhật lại thường chỉ mua sản phẩm với số lượng ít vì không gian chỗ ở của họ tương đối nhỏ và còn để tiện thay đổi cho phù  hợp mẫu mã mới. Vì vậy qui mô các lô hàng nhập khẩu hiện nay có xu hướng nhỏ hơn nhưng chủng loại lại phải phong phú hơn.

Môi trường sinh thái
Gần đây, mối quan tâm đến các vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng cao đã nâng cao ý thức sinh thái và bảo vệ môi trường của người tiêu dùng. Các cửa hàng và doanh nghiệp đang loại bỏ việc đóng gói quá đáng, các vỏ sản phẩm được thu hồi và tái chế, các sản phẩm dùng 1 lần ngày càng ít được ưa chuộng.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Nhật Bản”, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo Vietrade – 02/2012)

Bình luận hay chia sẻ thông tin