Nếu bạn muốn bán sản phẩm của mình ở thị trường Nhật Bản, nếu chỉ nói “túi da” hay “áo dệt kim” thì chưa đủ. Thực ra, có rất nhiều loại túi da. Bạn phải mô tả như “dành cho nam giới” hay “dành cho nữ giới”, “kiểu sang trọng”, “kiểu doanh nhân” hay “kiểu dân dã”. Nếu bạn nói: “áo dệt kim”, thì người ta không hiểu là nó được “cắt và may” hay là “dệt từng chiếc”. Vì ở Nhật có nhiều kênh bán hoàn toàn hàng khác nhau tuỳ thuộc vào mặt hàng nên bạn phải đề cập đến các chi tiết sản phẩm thay vì chỉ nêu tên hàng đơn thuần.
Cần phải nói rõ các loại giá của các sản phẩm của bạn. Các kênh phân phối ở Nhật sẽ quyết định bán cho đối tượng nào như các cửa hàng cao cấp, các bách hóa hay thị trường đại chúng phù hợp với từng mức giá. Quan trọng là bạn phải chỉ rõ bạn muốn bán sản phẩm ở đâu: cho các cửa hàng cao cấp, các bách hoá tổng hợp, siêu thị, nhà bán sỉ, nhà bán lẻ hay các công ty thương mại.
Nếu bạn tìm được nguồn để bán ở Nhật Bản trước tiên phải tìm hiểu tên của những khách hàng đó để tránh trùng hợp với khách hàng đã có của mình. Một số công ty nước ngoài hay khoe: “Chúng tôi đang kinh doanh với công ty A, công ty B của Nhật Bản trên cơ sở OEM”, tức là “sản xuất theo đơn đặt hàng” và đưa mẫu cho người ta xem.
Hình minh họa từ internet
Điều này phải hết sức tránh. Các doanh nghiệp Nhật Bản không tin tưởng và không muốn mở tài khoản giao dịch với các công ty nước ngoài khi thiết lập quan hệ kinh doanh OEM vì có thể dẫn đến khả năng mẫu mã của họ bị các công ty Nhật Bản khác biết được. Bạn phải biết giữ kín các sản phẩm mẫu mà đối tác giao cho bạn, coi đó là “sản phẩm hạn chế tiếp cận“, nếu không bạn sẽ không được người Nhật tin tưởng.
Bạn phải chỉ rõ được các đặc tính nổi trội của sản phẩm của mình, ví dụ: giá rẻ, chất lượng cao hay những điểm làm cho nó khác biệt với các sản phẩm khác. Nếu sản phẩm của bạn không có ưu điểm so với các sản phẩm khác cùng loại thì bạn phải cạnh tranh bằng giá và phải thật sự rẻ hơn hẳn. Bạn cần giải thích chi tiết về bất kỳ điểm khác biệt nào giữa sản phẩm của bạn với các sản phẩm của công ty khác.
Ví dụ, nếu sản phẩm của bạn sử dụng nguyên liệu mới chưa có trên thị trường, nếu thiết kế là độc nhất, nếu giá trị của sản phẩm được gia tăng vì những yếu tố này v.v.. Điều quan trọng là phải chỉ ra được sự độc đáo của sản phẩm. Các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm những sản phẩm mới có những điểm khác biệt với các sản phẩm đang có trên thị trường.
Không nên dùng những thuật ngữ hay những từ viết tắt chỉ được dùng trong phạm vi công ty bạn để giải thích về sản phẩm của mình, vì bên thứ ba sẽ không hiểu được nghĩa của chúng. Nên giải thích sản phẩm của mình bằng những từ mà ai cũng có thể hiểu được, tránh các cụm từ và từ viết tắt đặc biệt.
Đương nhiên là bạn nên giữ lời và thực hiện mọi lời hứa của mình. Nên tính toán cẩn thận khi cam kết thời gian gửi hàng mẫu, thời gian giao hàng, giao hàng đúng như mẫu v.v.
Hiện nay, có một khoảng cách giữa sản phẩm mà các công ty nước ngoài muốn bán vào thị trường Nhật Bản và những sản phẩm mà các công ty Nhật Bản muốn mua từ các công ty nước ngoài. Sản phẩm dệt, may mặc, hàng tạp hoá và hàng trang trí là những sản phẩm mà các công ty nước ngoài muốn xuất khẩu vào Nhật Bản, trong khi các công ty Nhật Bản lại muốn mua nhiều hơn các sản phẩm công nghiệp và những sản phẩm hay phụ kiện công nghệ cao. Nói cách khác, họ muốn các sản phẩm và phụ kiện hỗ trợ công nghiệp.
Hiện nay các công ty Nhật Bản đã có các nguồn cung cấp từ nước ngoài cho các sản phẩm dệt may, hàng tạp hoá, đồ trang trí, đồ chơi… Vì thế, bạn phải biết rằng rất khó có thể tìm khách hàng mới ở Nhật Bản cho các sản phẩm này. Tốt nhất là bạn phải bán những gì mà thị trường Nhật Bản thực sự cần. Để đạt mục đích này, điều quan trọng là phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường Nhật Bản.
Những hàng hóa có thể sản xuất số lượng lớn, bằng những máy móc và chi phí nguyên vật liệu tương tự, có thể sản xuất rẻ ở Nhật Bản. Ví dụ, những chiếc áo dệt kim cắt và may đơn giản được làm rất rẻ ở Nhật Bản. Tuy nhiên, những chiếc áo dệt kim có thêu phức tạp hay có gắn các hạt trang sức thì sản phẩm của nước ngoài, đặc biệt ở các nước Châu Á, lại có thể cạnh tranh tốt hơn là sản xuất tại Nhật Bản. Các nhà sản xuất nước ngoài nên lưu ý đến điểm này.
Giao dịch với người Nhật Bản bắt đầu bằng việc trao đổi danh thiếp. Nếu bạn không cung cấp được danh thiếp, thậm chí do bị thiếu tạm thời, thì cũng bị xem là thiếu lịch sự. Chúng tôi khuyên bạn chuẩn bị đủ danh thiếp trước khi đến Nhật Bản. Một ngưòi Mỹ sống ở Nhật Bản cho rằng: “Những danh thiếp và tiêu đề thư giao dịch hoành tráng làm cho người Nhật dễ nhớ đến bạn hơn” .
JIS (Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản) về mặt hàng may mặc đang được xem xét sửa đổi do có những thay đổi về khổ người của người Nhật Bản gần đây. Cỡ theo JIS cho nhóm đàn ông trưởng thành thì đã hoàn tất và cho nhóm phụ nữ sẽ được hoàn thành trong năm nay. Việc sửa đổi kích cỡ trong JIS không chỉ áp dụng đối với quần áo, mà còn đối với trang thiết bị văn phòng. Các nhà sản xuất nước ngoài phải thường xuyên cập nhật “Tiêu chuẩn Công nhiệp Nhật Bản” mới này và phải tạo ra các sản phẩm tương thích. Điều quan trọng là phải lưu ý đến bất kỳ sự thay đổi hay bổ sung các tiêu chuẩn ở Nhật Bản.
Bước sang thế kỷ 21, con người ta chú trọng nhiều hơn đến sự an toàn, sức khoẻ, sự tiện lợi và bảo vệ môi trường trong việc sản xuất. Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ. Điều cần thiết là phải làm ra và xúc tiến sản phẩm đó theo từng thời điểm.
Như đã đề cập ở trên, có rất nhiều yếu tố phải được cân nhắc để thâm nhập thị trường Nhật Bản, như cải tiến chất lượng, phát triển mẫu mã, đáp ứng nhu cầu khách hàng với đa dạng sản phẩm ở số lượng nhỏ, sản xuất nhanh chóng, giao hàng kịp thời…
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Nhật Bản”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Vietrade – 02/2009)