Nhờ hai giếng trời lớn ở giữa ba khối nhà, nơi đây không cần bật bất kỳ ngọn đèn nào vào ban ngày và luôn thoáng mát dù giữa hè nắng nóng.
Biệt thự có diện tích sàn tổng cộng 650 m2, được xây dựng trên miếng đất rộng 550 m2, tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Đây là nơi sinh sống của một đại gia đình ba thế hệ với 10 thành viên.
Hãy khám phá từng chi tiết của hình ảnh trong bài viết bằng cách nhấn vào ảnh để xem ở chế độ chất lượng cao
Mặt trước khu đất hướng Đông Nam, tiếp giáp với trục đường giao thông lớn 45 m. Mặt sau hướng Tây Bắc, tiếp giáp với đường giao thông nội khu 12,5 m. Công trình có 3 mặt đón nắng trong ngày nên yêu cầu về cách nhiệt được ưu tiên hàng đầu.
Dựa trên chiều dài khu đất gần 40 m, kiến trúc sư Hoàng Minh Tuệ cùng các đồng nghiệp tại Ray Architecture đã quyết định thiết kế ba khối công năng riêng biệt, nằm xen kẽ với hai giếng trời. Với tổng diện tích hơn 50 m2, hai giếng trời mang ánh sáng và gió tràn ngập khắp nhà dù gia chủ đóng cửa phía trước.
Ngoài hai giếng trời, trong khuôn viên biệt thự còn có sân vườn phía trước, phía sau và hai bên cạnh nhà để từ bất cứ vị trí nào trong nhà cũng có thể nhìn thấy mảng xanh thiên nhiên.
Tầng trệt là không gian dành cho các sinh hoạt chung. Từ cửa chính đi vào, đầu tiên là phòng khách, sau đó lần lượt là giếng trời thứ nhất, bếp và phòng ăn liên thông, giếng trời thứ hai và cuối cùng là gara để xe. Một lối đi bên hông nhà đưa xe vào đến gara mà không ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt chung.
Mảng tường đá ở phòng khách và phòng ăn vừa tạo hình ảnh kiến trúc vững chãi, vừa là một giải pháp cách nhiệt hữu hiệu
Các phòng đều có hệ cửa kính xếp gấp có thể mở tối đa khi cần kết nối không gian, tạo thành không gian có diện tích lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng của chủ nhà
Nhà có ba tầng. Tầng trên được thiết kế rộng hơn tầng dưới, tạo bóng đổ cho tầng phía dưới, che chắn trực tiếp cho các hệ cửa kính, giúp không gian trong phòng vẫn đủ ánh sáng mà không hề chói mắt.
Với ý tưởng ngôi nhà chính là nơi thư giãn, nghỉ ngơi của gia chủ, cầu thang từ tầng một lên tầng hai và từ tầng hai lên tầng ba được đặt ở hai vị trí khác nhau, khiến người đi lại trên cầu thang không có cảm giác bị nhàm chán, mà như trong tâm thế đi dạo.
Hệ lam gỗ vừa có tác dụng chắn nắng vừa có tác dụng hạn chế tầm nhìn trực tiếp từ bên ngoài (đường lớn, nhà liền kề..) vào các không gian sinh hoạt, giúp cho công trình tuy “mở” tối đa nhưng vẫn đảm bảo yếu tố “đóng”, tạo sự riêng tư cho các hoạt động của gia đình.
Toàn bộ phần mái công trình đều là mái bằng, phần lớn diện tích mái được thiết kế để trồng rau sạch. Đó chính là các lớp cấu tạo có tác dụng chống nóng trực tiếp cho các phòng phía dưới. Hệ nước thu được trên mái được gom vào một bể chứa, kết hợp với hệ nước lọc thải ra từ hồ cá koi sẽ được tái sử dụng thành nước tưới sân vườn.
Nhờ những giải pháp cách nhiệt và thông gió tự nhiên cũng như tiết kiệm năng lượng cho toàn bộ công trình, biệt thự được trang web kiến trúc hàng đầu thế giới Archdaily đánh giá cao và gọi là nhà của nắng và gió.
Mô hình của công trình cũng được trưng bày và giới thiệu tại triển lãm kiến trúc Weplay – Phù sa, đang diễn ra tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Biệt thự”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Vnexpress/ Thái Bình)
(Ảnh: Hoàng Lê)