Quan hệ kinh tế giữa Australia và Việt Nam (Phần 2)

Tháng bảy 18 03:55 2018

Các bạn đang theo dõi phần 2 của loạt bài “Quan hệ kinh tế giữa Australia và Việt Nam”, để theo dõi phần 1 vui lòng nhấn vào đây.

2. Hợp tác đầu tư

Trong năm 2006, Australia có thêm 13 dự án đầu tư mới vào Việt Nam với số vốn đăng ký mới là 9,96 triệu USD đưa tổng số dự án đầu tư của Australia tại Việt Nam hiện nay lên 124 dự án với số vốn đăng ký là 681,20 triệu USD và số vốn thực hiện là 366,49 triệu USD (nguồn: Vietnam Economic Times).

Trong năm 2007, Australia có thêm 34 dự án FDI mới với tổng số vốn đăng ký là 118,083,000 USD. Như vậy, tính đến hết năm 2007, Australia có tổng số 167 dự án tại Việt Nam với số vốn đăng ký là 869,6 triệu USD, vốn thực hiện là 396,9 triệu USD, đứng thứ 16 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt nam. (nguồn: Vietnam Economic Times).

Hình minh họa từ internet

Đến cuối năm 2008, Australia có 193 dự án với tổng số vốn đăng ký là 1,04 tỷ USD, và vốn thực hiện là 500 triệu USD (nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Các dự án của Australia chủ yếu tập trung vào 4 lĩnh vực là bưu chính – viễn thông (xây dựng hệ thống cáp quang biển), công nghiệp nặng (sản xuất thép), công nghiệp thực phẩm, các dịch cụ giáo dục, tài chính, y tế, bảo hiểm. Các doanh nghiệp Australia có phương thức quản lý tiên tiến, tuân thủ pháp luật Việt Nam, nhiều dự án làm ăn có hiệu quả cao như: INTELSAT, Bia FOSTER, VINAUSTEEL, đặc biệt là dự án 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo đại học và sau đại học là Trường quốc tế RMIT, được cấp phép năm 2000 với tổng số vốn đầu tư 51,5 triệu US$.

Trong năm 2010, Australia có thêm 13 dự án mới đầu tư tại Việt Nam, nâng tổng số dự án FDI của Australia tại Việt Nam lên 235 dự án (tính đến tháng 12/2010) với tổng vốn đăng ký là 1,16 tỷ USD, đứng thứ 20 trên tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Trong năm 2011, Ô-xtrâylia có thêm 24 dự án mới đầu tư tại Việt Nam với số vốn đăng ký cấp mới là 147,77 triệu USD, số dự án xin tăng vốn là 6 dự án với tổng đăng ký tăng thêm là 30,50 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 178,27 triệu USD trong năm 2011. Tính đến 15/12/2011, Australia có tổng cộng 260 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,301 tỷ USD đứng thứ 21 trên tổng số 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2012, Ô-xtrâylia có thêm 15 dự án mới đầu tư tại Việt Nam với số vốn đăng ký cấp mới là 6,27 triệu USD, số dự án xin tăng vốn là 4 dự án với tổng đăng ký tăng thêm là 3,6 triệu USD. Tính đến tháng 11/2012, Australia có tổng cộng 274 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,323 tỷ USD và số vốn điều lệ là 566,3 triệu USD đứng thứ 21 trên tổng số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

3. Viện trợ

Viện trợ phát triển của Australia tại Việt nam nhằm mục đích giảm đói nghèo và đạt được sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội. Chương trình viện trợ của Chính phủ Australia do AusAID thực hiện.

Chính phủ Australia cam kết sẽ dành khoản ngân sách viện trợ phát triển trị giá 105,9 triệu AUD (gần 85 triệu USD) cho Việt Nam trong tài khóa của Australia kéo dài từ 1/7/2009 đến 30/6/2010.

Hình minh họa 

3. Các vấn đề khó khăn thuận lợi

Thuận lợi

– Việt Nam và Australia cùng nằm trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đầy tiềm năng; đều mong muốn tăng cường mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Biểu hiện sinh động của chiều hướng tốt đẹp đó là sự hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển văn hoá, giáo dục đào tạo. Không chỉ trong khuôn khổ song phương, sư hợp tác giữa hai nước còn phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ đa phương. Là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN – Australia, Việt Nam luôn ủng hộ Australia – nước có vị trí địa lý gần gũi, quan hệ hợp tác phát triển lâu đời với ASEAN và là nước có vị trí quan trọng trong khu vực và thế giới, được tham gia sâu rộng hơn vào tiến trình hội nhập khu vực Đông Á.

– Cho đến nay, người tiêu dùng Australia đã quen thuộc với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam và với việc Australia tiếp tục thực hiện cam kết mở cửa thị trường và tự do hoá thương mại, trong thời gian tới, các nhà xuất khẩu Việt nam sẽ có thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia xúc tiến thương mại sang Australia, bên cạnh những mặt thuận lợi, có nhiều điều mà các nhà xuất khẩu của nước ta cần nắm bắt kỹ để thâm nhập hơn và có hiệu quả hơn vào thị trường Australia.

Khó khăn

– Thị trường hai nước xa cách về địa lý và khác biệt về thị hiếu tiêu dùng. Doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường và gặp khó khăn trong các hoạt động tìm hiểu thị trường và XTTM.

– Thị trường Australia không áp dụng hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, thuế suất đối với hàng dệt may và giày dép rất cao. Trong khi đó, sự cạnh tranh với các đối tác như Trung Quốc và một số nước ASEAN ngày càng gia tăng bởi lợi thế lớn của các nước hiện tại đối với mặt hàng dệt may và đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ.

– Hàng thực phẩm, hoa quả và nông sản nhập khẩu vào Australia đều phải yêu cầu trải qua quá trình Phân tích rủi ro nhập khẩu (IRA) của cơ quan An toàn sinh học (Biosecurity Australia – BA). Phần này do Cơ quan chức năng của hai bên thực hiện và việc triển khai phụ thuộc vào quan hệ và tiến độ giải quyết giữa Australia với từng đối tác, trong khi đó sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Australia khá chậm chạp.

– Chính sách thương mại và thuế của Australia khá minh bạch, nhưng hàng rào phi thuế quan (các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, …) khá chặt chẽ.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Australia”, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo VCCI – 2013)

Bình luận hay chia sẻ thông tin