1. Quy định về bao gói – Bao bì là một bộ phận không thể thiếu của hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá xuất nhập khẩu và vấn đề xử lý phế thải bao bì sau khi sản phẩm được sử dụng đang được đặt ra một cách cấp thiết nhằm hạn chế tối thiểu phế thải bao bì từ nguồn rác sinh hoạt để bảo vệ môi trường. – Ở thị trường Đức, bao gói sản phẩm được quy định trong Sắc lệnh về bao gói sản phẩm quốc gia (Verpackungsverordnung). – Điều đầu tiên được chú ý trong Sắc lệnh này là tránh phế thải bao bì. Ngoài ra có những điều khoản bổ sung về bao bì tái sử dụng, vật liệu tái sinh và các quy trình khác về phế thải bao bì. – Sắc lệnh về bao gói của Đức không đưa ra những quy định ngặt nghèo về nguyên vật liệu sản xuất bao bì. Việc sử dụng một số vật liệu nhất định để sản xuất bao bì có thể được tài trợ về mặt tài chính. – Trong Sắc lệnh này, bao bì được chia ra làm 3 loại:
+ Bao bì vận chuyển (Transport Packaging): bao gồm một số loại như: thùng, container, sọt, bao tải, pallet, thùng carton… và các loại bao bì tương tự dùng để bảo vệ hàng hoá tránh hư hỏng trong quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi phân phối hoặc để vận chuyển an toàn. + Bao gói thứ hai (Secondary packaging): là loại bao bì được sử dụng thêm để đóng gói sản phẩm đảm bảo cho sản phẩm được giữ vệ sinh, tránh bị nhiễm bẩn cũng như được tăng độ bền. Loại bao bì này không cần phải chuyển tới người tiêu dùng cuối cùng. Bao bì này thường là bao nhựa, hộp carton,… nói chung là những loại bao tương tự được sử dụng trong quá trình bán hàng. Bao bì loại này có tác dụng như sau: giúp hàng hoá có thể bán được trên cơ sở tự phục vụ, tránh hoặc giảm rủi ro mất cắp, phục vụ cho mục đích quảng cáo. + Bao gói hàng hoá (Sales packaging): là loại bao gói cho từng đơn vị sản phẩm và được đưa đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Những loại bao bì sau đây được quy định một cách cụ thể:
1) Bao bì cho đồ uống: đây là loại bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm ở dạng lỏng, chủ yếu là đồ uống, trừ sữa chua và rượu kefir. 2) Bao bì có thể tái sử dụng: đây là loại bao bì có thể tái sử dụng trong vài lần.
Cần chú ý rằng ba loại bao bì trên không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm, một số chỉ có một hoặc hai loại bao bì như trên.
Quy định về chấp nhận bao bì trả về:
Vấn đề quan trọng trong Sắc lệnh về bao bì đối với các công ty ở những nước đang phát triển là quy định phải chấp nhận mang trả về bao bì mà mình đã đóng gói, nếu bao bì đó không thể tái chế hoặc tái sử dụng.
Những nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển (trừ khi chính họ vận chuyển hàng hoá đến Đức) sẽ không phải chịu trách nhiệm nhưng những nhà nhập khẩu của Đức thì phải chịu chi phí. Khi đó, nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu lần sau sử dụng các loại bao bì phù hợp với Sắc lệnh về bao bì – đó là những bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng.
Những nhà sản xuất và phân phối nước ngoài có thể thuê một bên thứ ba thực hiện nghĩa vụ này, có nghĩa là những bao bì đã qua sử dụng không nhất thiết phải mang về nước xuất xứ.
Các tổ chức xử lý rác thải: Nếu doanh nghiệp không muốn tự xây dựng hệ thống thu hồi phế thải bao bì nhằm tái chế hoặc tái sử dụng, thì họ có thể thuê một tổ chức chuyên nghiệp khác làm cho mình. Những tổ chức chuyên thu thập và xử lý rác thải tiêu biểu nhất của Đức và phạm vi hoạt động của họ bao gồm:
+ Duales System Deutschland GmbH (DSD): tất cả các loại bao bì. DSD được độc quyền trong việc cấp nhãn Green Dot. Những quyền này bao gồm đảm bảo cho việc sẽ thu thập và tái chế rác thải. + RESY GmbH, Darmstadt: giấy và bìa carton. Đây là tổ chức nổi tiếng nhất trong việc thu hồi và xử lý bao bì vận chuyển bằng giấy và bìa carton. + Interseroh AG, Cologne: bìa carton, giấy, gỗ, bọt polixetiren, và nhựa. + Vereinigung für Werstoffrecycling GmbH (VfW): giấy, gỗ, kim loại. + Verpackungsrücknahmesystem Deutschland (VRSD): giấy, bìa carton, gỗ.
“Nhãn nhiệu xanh Green Dot”
Hệ thống DSD (Duales System Deutschland) là một hệ thống về tái sử dụng và tái chế bao bì quan trọng nhất ở Đức. Đây là một chương trình liên kết hoạt động thương mại (với sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ liên bang) để giải quyết vấn đề phế thải bao bì một cách hiệu quả và thu thập rác thải với chi phí thấp nhất có thể cho các thành viên tham gia. Các doanh nghiệp sẽ phải trả phí để được phép in chữ Green Dot (der Grüne Punkt) lên bao bì và phải ký hợp đồng về việc này.
Nhãn Green Dot
Hệ thống DSD được duy trì dựa trên đóng góp tài chính của các doanh nghiệp. Mức đóng góp này phụ thuộc vào: + Số lượng bao bì bán ra hàng năm ở thị trường Đức + Thành phần của bao bì
Chỉ những công ty nào đảm bảo sẽ thu hồi và tái chế bao bì mới được sử dụng Green Dot.
Các vật liệu quy định trong hệ thống Green Dot (gồm tất cả các loại vật liệu quy định trong hệ thống DSD): thuỷ tinh, giấy và giấy bìa, thiếc, nhôm, nhựa, thùng giấy đóng đồ uống, những vật liệu đóng gói tự nhiên hoặc tổng hợp.
Hình minh họa từ internet
2. Quy định về nhãn mác
– Với mục đích đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhãn mác trở nên rất quan trọng trong việc lưu thông hàng hoá trên thị trường Đức. Nhãn hàng hoá ở Đức phải bao gồm các thông tin cơ bản sau:
+ Tên sản phẩm (điều kiện vật chất hoặc cách xử lý cụ thể) + Tên/ địa chỉ của nhà sản xuất, đóng bao, người bán hoặc người nhập khẩu bằng tiếng Đức + Nước xuất xứ + Thành phần theo thứ tự giảm dần về trọng lượng + Trọng lượng và khối lượng theo hệ đo lường mét + Chất phụ gia theo tên các loại + Điều kiện bảo quản đặc biệt + Thời gian sử dụng + Hướng dẫn cách sử dụng đặc biệt
– Ví dụ cụ thể đối với từng loại hàng hoá như sau:
+ Đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ Tại Đức hiện nay áp dụng quy định số 2092/91 của EU về nhãn mác cho sản phẩm hữu cơ. Quy định này ở Đức được gọi là “Bundesland”. Nhãn mác sản phẩm nông nghiệp hữu cơ EU được ghi trên rất nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Đức. Là một trong những thị trường lâu dài nhất của EU, Đức có rất nhiều các nhãn mác khác nhau trên thị trường.
Hiện nay có 8 tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ và cả 8 tổ chức này đều sở hữu những nhãn mác được bảo hộ về mặt pháp lý của riêng mình. Rất nhiều nhãn mác đã quen thuộc với người tiêu dùng, tiêu biểu là Bioland, Naturland và Demeter. Ở một số khía cạnh, tiêu chuẩn của các tổ chức này nghiêm ngặt hơn so với tiêu chuẩn trong quy định của EU. Ngoài ra, chính phủ Đức cung cấp nhãn mác “Bio-Siegel” là nhãn mác quốc gia.
Nhãn mác quốc gia
Năm 2011, Chính phủ Đức đã đưa ra một số nhãn mác hữu cơ quốc gia gọi là Bio-Siegel. Các tiêu chuẩn áp dụng cho nhãn mác này dựa trên quy định số 2029/91 của EU đối với sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Việc cung cấp nhãn mác này là một sự thành công của Chính phủ Đức thể hiện qua khoảng 12.000 sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ đã được dán nhãn mác này ngay trong năm đầu tiên cung cấp. Sự thành công này có được một phần nhờ việc sử dụng nhãn mác này hoàn toàn miễn phí. Những tiêu chuẩn thì phù hợp với những quy định của EU. Điều này khiến cho việc sử dụng nhãn mác này khác so với các nhãn mác khác là không phải thêm bất cứ yêu cầu bổ sung nào. Trên thực tế, điều này có nghĩa là nếu một sản phẩm được sản xuất và được quản lý theo những quy định của EU thì nó sẽ được cấp nhãn mác Bio – Siegel. Điều này áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ nhập khẩu vào Đức, kể cả từ các nước thành viên hay không thành viên.
+ Đối với sản phẩm dệt may Hàng ngày, các sản phẩm như vải sợi, quần áo, đồ đạc… được sản xuất với sự hỗ trợ của các hoá chất hoá học nhằm tăng độ bền đẹp cho sản phẩm. Những chất này không được ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Điều này có nghĩa là ở mức độ tối thiểu, các sản phẩm phải tuân theo đúng những quy định đặt ra đối với các sản phẩm đó ví dụ như chất nhuộm hữu cơ (azo-dyes).
Để có thể đảm bảo sản phẩm không có hại cho sức khoẻ người tiêu dùng, nhà cung cấp có thể đề nghị một viện độc lập kiểm tra sản phẩm của mình. TOXPROOF là một chương trình như vậy. Nó được thành lập bởi viện kiểm tra độc lập có tên là TÜV Rheinland của Đức. Sản phẩm được kiểm tra phù hợp sẽ được dán mác TOXPROOF. Nhãn mác này sẽ chứng minh là sản phẩm của bạn không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Nhãn TOXPROOF áp dụng cho các loại sản phẩm dệt. Một số sản phẩm đã được cấp nhãn TOXPROOF là quần áo, đồ dùng gia đình, tấm phủ ghế ô tô, rèm và thảm…
Nhãn TOXPROOF được cấp bởi viện kiểm tra TÜV Rheinland Đức – một viện nghiên cứu độc lập. Nhãn hiệu này là nhãn hiệu nổi tiếng ở Đức hiện nay và nó cũng được các nhà sản xuất trên thế giới áp dụng. Hàng trăm loại sản phẩm đã được kiểm tra và dán nhãn này.
Nếu muốn sản phẩm được dán nhãn TOXPROOF®, quá trình thực hiện như sau: + Xuất trình mẫu và tài liệu về sản phẩm + Phạm vi kiểm tra chính xác sẽ được thiết lập sau khi kiểm tra mẫu và tài liệu. Tuỳ theo yêu cầu mà TÜV Rheinland sẽ thông báo phạm vi và chi phí kiểm tra chính xác. Những cuộc kiểm tra cần thiết sẽ được thực hiện sau khi được sự chấp thuận từ bên yêu cầu kiểm tra. + Sau khi cuộc kiểm tra kết thúc thành công, một hợp đồng sẽ được thảo ra và bạn sẽ có quyền sử dụng nhãn mác này. + Đối với các sản phẩm da
Nhãn S-G nhằm đảm bảo sản phẩm không có hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Những nguyên liệu tự nhiên như da và lông thú phải được xử lý và nhuộm đúng cách để có thể đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, những chất hoá học dùng để nhuộm và xử lý này cũng phải được sử dụng để bảo quản sản phẩm trong quá trình lưu kho hay chuyên chở.
Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những ảnh hưởng gây hại cho sức khoẻ từ những sản phẩm da thuộc, phải kiểm tra xem các sản phẩm này có dùng các chất hoá học phù hợp hay không, và chỉ được chứa một mức độ tối thiểu cho phép hoặc không được chứa các chất có hại.
Tiêu chuẩn SG là tiêu chuẩn đặt ra các hàm lượng chất có hại này thấp hơn cả quy định của quốc gia. Những sản phẩm da thuộc đôi khi cũng gồm cả một số nguyên vật liệu mà không chỉ giới hạn ở đồ da mà còn một số thành phần được làm từ sợi dệt, sợi tổng hợp, một số thành phần từ sợi xenlulo…
Các sản phẩm có thể được cấp nhãn SF là những sản phẩm da thuộc như: + Giầy dép + Đồ da + Quần áo da + Các nguyên vật liệu cần thiết cho việc sản xuất đồ da thuộc
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Đức”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Seafood1.net)