Hiện Việt Nam đứng thứ sáu trên thế giới, thứ hai ở châu Á và đứng đầu Đông – Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Nhưng tại thị trường trong nước, ngành gỗ Việt Nam đang bị lấn át bởi sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu, hoặc có mã nhập khẩu. Vậy ngành sản xuất đồ gỗ nội địa phải làm gì để phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước?
Mất dần thị phần ngay tại sân nhà
Theo Cục Chế biến lâm sản và nghề muối, hiện cả nước có gần 3.900 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 95% là sở hữu tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài và khoảng 5% cơ sở thuộc sở hữu nhà nước. Điều đáng lưu ý, mặc dù các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 26 nước và khu vực trên thế giới tuy chỉ chiếm khoảng 16% tổng số cơ sở chế biến gỗ, nhưng lại có dây chuyền sản xuất hiện đại, có thể tự động hóa các khâu nên sản phẩm bảo đảm chất lượng, vì vậy giá trị sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của cả nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước hầu hết có quy mô nhỏ cả về số lượng người lao động và vốn đầu tư. Nếu xét trên quy mô vốn đầu tư thì có đến 93% tổng số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; 5,5% số doanh nghiệp vừa và chỉ có 1,2% số doanh nghiệp lớn. Điều này cũng dễ hiểu khi thị trường nội địa với khoảng 2,25 tỷ USD/năm, thì đồ gỗ Việt chỉ chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại, phần còn lại là các sản phẩm đồ gỗ cao cấp được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước Đông – Nam Á như Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Xin-ga-po… Riêng Trung Quốc, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ thị trường này tới 84,3 triệu USD, tăng 13,93% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho biết: Phần lớn sản phẩm đồ gỗ được sản xuất tại các cơ sở sản xuất nhỏ đều là sản phẩm không có kiểm soát về chất lượng và theo đánh giá chung của người tiêu dùng là chất lượng sản phẩm thấp. Qua khảo sát mới đây của Hiệp hội 50% số người trả lời phỏng vấn cho rằng, đồ gỗ nhập khẩu sẽ được chọn nếu có nhu cầu. Bởi việc thiếu hệ thống tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng đang là rào cản để thu hút người tiêu dùng đầu tư mua sản phẩm gỗ nội địa.
Ông Quyền cũng nhấn mạnh: Kết quả khảo sát phản ánh các cơ sở sản xuất đồ gỗ của Việt Nam, trong đó có các làng nghề sẽ mất dần thị phần nếu không có sự cải tiến về chất lượng đối với các sản phẩm tiêu dùng trong nước. Chủ tịch Hội làng nghề gỗ Đồng Kỵ Vũ Quốc Vương cũng thừa nhận, mặc dù làng nghề Đồng Kỵ có gần 300 doanh nghiệp và 2.500 hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, và sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhưng doanh thu có được chủ yếu lại dựa vào xuất khẩu. Hiện mỗi năm tổng doanh thu của làng nghề từ 800 đến 1.000 tỷ đồng, trong đó thị trường trong nước chỉ chiếm khoảng 20%.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội)
Khó khăn chồng chất
Trong bối cảnh khó khăn của thị trường quốc tế hiện nay, một số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu sau khi “chinh phục” nhiều thị trường trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần sáu tỷ USD năm 2013, góp phần đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ 6 trên thế giới và thứ hai ở châu Á và đứng đầu Đông -Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nay đã bắt đầu hướng đến thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp quay lại đầu tư vào thị trường nội địa bằng hình thức mở các cửa hàng, siêu thị nội thất, hay xây dựng mạng lưới đại lý để bán lẻ sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp này là thời gian qua sản phẩm xuất khẩu chủ yếu làm gia công, cho nên vẫn phụ thuộc vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ khách hàng nước ngoài.
Doanh nghiệp lớn đã vậy, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cũng như các hộ chế biến thuộc các làng nghề còn khó khăn hơn. Tìm hiểu một số làng nghề tại Nam Định, địa phương có 12 trong tổng số 20 làng nghề chế biến gỗ được công nhận theo tiêu chí tại Thông tư số 116/2006/TT-BNN về chế biến đồ gỗ, cho thấy: Hiện toàn tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ, tập trung chủ yếu ở các huyện Ý Yên, Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh. Nhưng hầu hết các cơ sở này đều là doanh nghiệp có quy mô nhỏ cả về số lượng người lao động lẫn vốn đầu tư, trong đó số cơ sở siêu nhỏ chiếm gần 50% và 45% có quy mô nhỏ, còn lại ở quy mô vừa và chỉ có một doanh nghiệp được xếp hạng quy mô lớn. Đương nhiên với cơ sở vật chất như vậy các ngân hàng sẽ phải “trông giỏ, bỏ thóc”, khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại của các làng nghề, hộ làm nghề gặp khó khăn, nhất là các nguồn vốn vay dài hạn từ các gói tín dụng của Chính phủ để đổi mới công nghệ, nâng cấp thiết bị, nhà xưởng. Do đó ít doanh nghiệp, làng nghề đủ mạnh để tạo ra các sản phẩm với mẫu mã mới, có thể tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ với những đơn hàng lớn.
Đáng chú ý là đội ngũ công nhân chế biến gỗ được hình thành chủ yếu do truyền nghề trực tiếp tại chỗ và tự đào tạo (truyền tay) cho nên thiếu nhiều kỹ năng cần thiết, sản phẩm làm ra đơn điệu, giá thành cao, năng lực cạnh tranh lại thấp, kể cả trên thị trường nội địa. Trong khi đó, Nam Định lại không có vùng nguyên liệu tại chỗ cho ngành chế biến gỗ và phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ các nước Lào, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, cho nên các doanh nghiệp chế biến khá bị động trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm. Hiện 90% số sản phẩm chế biến từ gỗ của các làng nghề ở Nam Định được tiêu thụ trong nước, với tổng giá trị khoảng 700 tỷ đồng/năm.
Liên kết tiêu thụ trong nước
Phó Chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt cho biết: Để hợp tác sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, những năm qua một số làng nghề bước đầu đã hình thành sự liên kết phân công lao động theo chuyên môn, lập thành một hệ thống sản xuất đồ gỗ theo dây chuyền. Nhưng đáng tiếc là trong khâu tiêu thụ sản phẩm các doanh nghiệp làng nghề lại cạnh tranh một cách tự phát, không lành mạnh, ít có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các hộ sản xuất. Đáng chú ý hầu như không có sự liên kết giữa các làng nghề trong xuất khẩu đồ gỗ mỹ nghệ.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quốc Đạt, hiện nay người tiêu dùng đang có xu hướng quay lại với những sản phẩm nội. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh đồ gỗ, các làng nghề phát triển thị trường nội địa, với mức tiêu thụ dự kiến đạt bốn tỷ USD vào năm 2020. Để đồ gỗ nội có chỗ đứng trong nước, các làng nghề cần khắc phục tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, xây dựng tư duy hợp tác, cùng nhau liên kết, chia sẻ thông tin thị trường. Bên cạnh đó, các làng nghề gỗ, các doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp thị hiếu khách hàng, xây dựng thương hiệu bền vững và cấp chứng chỉ cho các sản phẩm xuất khẩu. Mỗi vùng, hay khu vực cần chọn làng nghề gỗ hay một doanh nghiệp đủ năng lực để đứng ra tổ chức, hợp tác sản xuất, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài thị trường trong nước, tiếp tục duy trì các thị trường lớn và mang tính truyền thống như Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản… cũng như quan tâm phát triển những thị trường có tiềm năng như Đông Âu, Trung Đông.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Báo Nhân Dân – 18/7/2014)