Ngành sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng và mẫu mã khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ. Thế nhưng, người tiêu dùng trong nước chưa thể tiếp cận được những dòng sản phẩm chất lượng tốt này.
Sự khởi đầu đúng hướng Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội KTS TPHCM (HAA) kể lại câu chuyện, trong chuyến công tác tại Mỹ năm rồi do Hiệp hội Gỗ cứng Mỹ mời, HAA mới được biết vị thế thật sự của ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam, là một trong 5 nhà cung cấp sản phẩm gỗ lớn nhất. Theo Hiệp hội Gỗ cứng của Mỹ, 10 năm trước Việt Nam chưa có tên trong danh sách khách hàng nhập khẩu của hiệp hội này, vậy mà hiện là một trong những khách hàng quan trọng.
Đầu tháng 11 này, khi Hội Mỹ nghệ và đồ gỗ TPHCM (Hawa) tổ chức cho một số KTS của HAA tham quan một số nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu như Danh Mộc (Củ Chi), Mifaco (Bình Dương), Gia Long (thương hiệu Lavanto)… các KTS tỏ ra ngạc nhiên lẫn thích thú về khả năng sản xuất các sản phẩm gỗ và hàng trang trí nội thất. Bởi trước đó, các KTS nhiều lúc trăn trở làm thế nào để tìm ra những nhà cung cấp uy tín và chất lượng có thể đáp ứng được bản vẽ thiết kế và nhu cầu khách hàng để công trình đạt độ hoàn thiện tối đa.
Theo KTS Hồ Lê Phương, các KTS khi nhận thiết kế nội thất một công trình nào đó về nhà phố, biệt thự, cao ốc hay chung cư… khi chủ nhà đặt vấn đề hỏi mua sản phẩm theo thiết kế, các KTS không biết sản xuất hay bán ở đâu để trả lời. Cuối cùng, đành chỉ ra các cửa hàng đồ gỗ, chủ yếu là hàng Trung Quốc, Malaysia để mua. Vì vậy, không ít trường hợp KTS đã phải từ chối việc thiết kế nội thất. Nhưng sau chuyến tham quan các nhà máy, các KTS có thể hình dung năng lực sản xuất trong nước cũng như qua đó có thể thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với khả năng của nhà sản xuất trong nước. Có thể nói, đó là sự khởi đầu đúng hướng.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hawa cho biết, chỉ riêng hội viên của Hawa có trên 300 DN, bao gồm sản xuất sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ… xuất khẩu cho hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ mà mỗi nước có xu hướng, yêu cầu khác nhau. Vì vậy, về năng lực, có thể nói là rất phong phú, làm được các sản phẩm của khách hàng yêu cầu.
Không nôn nóng Mặc dù sức tiêu thụ đồ gỗ trang trí nội thất nội địa khá hấp dẫn, khoảng 3 tỷ USD/năm so với khoảng 4,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhưng hiện nay lại bị sản phẩm nước ngoài chi phối. 3 năm qua, Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất (Vifahome) – với mục đích khai thác thị trường nội địa – cho thấy DN xuất khẩu đồ gỗ trên sân nhà vẫn còn đầy những khó khăn. Mặc dù có DN thành công nhưng con số khá đông vẫn cảm thấy còn nhiều rối rắm khi nhìn vào thị trường nội địa bởi chưa biết khởi điểm từ đâu, dòng sản phẩm nào…
Theo KTS Hồ Lê Phương, hạn chế của các DN không phải nhỏ: với dây chuyền sản xuất hàng loạt, nếu cung ứng nhu cầu nội địa, số lượng nhỏ sẽ không dễ. Khách hàng trong nước chưa thật lý tưởng để nhà sản xuất kỳ vọng. Nhu cầu có nhưng do người tiêu dùng còn rất tự phát, chưa chú trọng hàng nội thất. Hơn 90% chủ nhà, khi xây nhà xong đi mua hàng nội thất có sẵn, chưa xem việc thiết kế nội thất cho căn nhà là một khâu cần thiết để hoàn chỉnh, làm đẹp ngôi nhà. Nói như KTS Nguyễn Trường Lưu, nội thất chính là cái hồn của căn nhà, nhưng người tiêu dùng trong nước mới chú trọng phần xác căn nhà.
Sau thời gian đầu hăm hở, các DN chế biến cũng cảm thấy không dễ dàng xâm nhập một sớm một chiều nhưng không vì thế mà chán nản. Lãnh đạo Công ty Mifaco cho rằng, việc tham gia Vifahome là cách từng bước tiếp cận với người tiêu dùng. DN sẵn sàng đáp ứng, sản xuất những đơn hàng nhỏ, lẻ trong nước. Bởi lẽ, khủng hoảng kinh tế đã chỉ cho DN hiểu rằng, phải xây dựng cho được cả thị trường trong và ngoài nước mới có thể đứng vững trong bối cảnh hiện nay.
Vì thế việc liên kết giữa các nhà sản xuất với những nhà tư vấn là một nhu cầu có thật.
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Agroviet – 13/11/2012)