Gỗ mềm, còn gọi là gỗ lá kim, là các loại gỗ được lấy từ các thực vật hạt trần hay thực vật có quả nón, ví dụ như các thực vật thuộc ngành Thông. Nó cũng được dùng để miêu tả các thực vật hạt trần thuộc dạng cây thường xanh, một số ngoại lệ nổi bật là cây Bụt mọc và Thông rụng lá.
Trong tiếng Việt, định nghĩa về gỗ mềm có một số khác biệt đáng kể và mang nặng nghĩa “mềm cứng” hơn. Các loại này có thể là gỗ của cây lá kim hay lá rộng (nhưng chủ yếu là cây lá kim), có đặc tính là nhẹ, tính chất cơ học thấp, dễ gia công cắt gọt bằng các công cụ thông thường.
Tính chất
Chúng có thể được xem là một “đối trọng” của gỗ cứng, tức gỗ lấy từ các thực vật hạt kín. Ở đây, do các thực vật hạt trần không có các tế bào sợi (loại tế bào này có vách rất dày) cũng như các tế bào đạo quản, nên nhìn chung gỗ của thực vật hạt trần “mềm” hơn so với gỗ của thực vật hạt kín.
Tuy nhiên một cây “gỗ cứng” chưa chắc đã cứng hơn “gỗ mềm” và ngược lại. Nói cách khác, độ cứng mềm của các thành viên trong hai loại này dao động trong một khoảng khá lớn. Một số cây gỗ cứng như Ochroma pyramidale còn “mềm” hơn cả các cây gỗ mềm thông thường, trong khi các loại cây như Thông lá dài (Pinus palustris), Linh sam Douglas (Pseudotsuga) và Thủy tùng (Taxus) thì cứng hơn rất nhiều so với các loại gỗ cứng thông thường. Những loại cây gỗ cứng bền chắc nhất thì có độ cứng mà không loại gỗ mềm nào sánh được.
Xét cấu trúc vi mô của gỗ mềm, 90% thành phần của loại gỗ này là các quản bào (tracheid) có nhiệm vụ vận chuyển nước, muối khoáng và cũng đảm nhận luôn chức năng về cấu trúc. 10% còn lại là các tế bào mô mềm hay nhu mô có chức năng vận chuyển các chất theo chiều ngang. Một số cây còn có các đường ống dẫn resin có nhiệm vụ vận chuyển nước.
Đặc điểm chung của gỗ lá kim là vòng năm rõ, gỗ sớm gỗ muộn phân biệt rõ. Tia gỗ nhỏ và ít. Thớ gỗ thẳng, ít khi nghiêng thớ. Gỗ lá kim thông thường là mềm hơn, dễ tạo tác hơn và độ bền cơ học thấp hơn các gỗ lá rộng, tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ.
80% sản lượng gỗ xẻ hiện nay là các loại gỗ mềm. Các trung tâm sản xuất hiện tại nằm ở vùng Ban Tích, bán đảo Scandinavia, một số khu vực của Nga và miền Bắc Mỹ. So với gỗ cứng, giá thành của gỗ mềm rẻ hơn và số lượng cũng sẵn có hơn, một trong những nguyên do là các cây gỗ mềm thường lớn khá nhanh, dễ khai thác và có xu hướng ít ảnh hưởng đến môi trường (mặc dù việc sử dụng các chất bảo quản khiến yếu tố này bị giảm đi phần nào). Ngoài ra, do các cây cho gổ mềm thường mọc thẳng và mọc khá cao, người thợ gỗ cũng có thể dễ dàng chế tạo các thanh gỗ có chiều dài cực lớn từ các cây gỗ mềm. Ngoài ra, tính chất “mềm” về cơ học của nhiều loại gỗ mềm cũng khiến nó khá dễ tạo tác so với gỗ cứng.
Ứng dụng
Do các đặc điểm nói trên, gỗ mềm có mức độ phổ biến khá cao so với gỗ cứng và nó được dùng trong nhiều lĩnh vực như: – Xây dựng nhà cửa – Chế tạo nội thất – Millwork – Chế tạo bột giấy – Chế tạo bản in khắc gỗ
Chiếc ghế dài làm từ gỗ mềm
[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Gỗ nguyên liệu”, vui lòng nhấn vào đây]
(Nguồn: Tổng hợp/ Hình ảnh được sưu tầm)