Các loại thuế
Thuế theo trị giá: Hầu hết các loại thuế quan của Hoa Kỳ được đánh theo tỷ lệ trên giá trị, tức là bằng một tỷ lệ phần trăm trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu. Ví dụ mức thuế tối huệ quốc năm 2004 đối với chè xanh có hương vị đóng gói không quá 3 kg/gói là 6,4%.
Hình minh họa từ internet
Thuế theo trọng lượng hoặc khối lượng: Một số hàng hóa, chủ yếu là nông sản và hàng sơ chế phải chịu thuế theo trọng lượng hoặc khối lượng. Loại thuế này chiếm khoảng 12% số dòng thuế trong biểu thuế HTS của Hoa Kỳ. Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 đối với cam là 1,9 cent/kg, đối với nho tươi trong khoảng 1,13 – 1,80 USD/m3 hoặc được miễn thuế tùy thời điểm nhập khẩu trong năm. (Xem thêm phần về Thuế Thời vụ dưới đây.)
Thuế gộp: Một số hàng hóa phải chịu gộp cả thuế theo giá trị và thuế theo số lượng. Hàng phải chịu thuế gộp thường là hàng nông sản. Ví dụ thuế suất MFN đối với nấm mã HTS 0709.51.01 áp dụng cho năm 2004 là 8,8 cent/kg + 20%.
Thuế theo hạn ngạch: Một số loại hàng hóa phải chịu thuế hạn ngạch. Hàng hóa nhập khẩu nằm trong phạm vi hạn ngạch cho phép được hưởng mức thuế thấp hơn, trong khi đó hàng nhập vượt quá hạn ngạch phải chịu mức thuế cao hơn nhiều và có hệ quả như cấm nhập khẩu. Mức thuế MFN năm 2002 áp dụng đối với số lượng trong hạn ngạch bình quân là 9%, trong khi đó mức thuế đối với số lượng vượt hạn ngạch trung bình là 53%. Thuế hạn ngạch hiện nay đang được áp dụng với thịt bò, các sản phẩm sữa, đường và các sản phẩm đường.
Thuế theo thời vụ: Mức thuế đối với một số loại nông sản có thể thay đổi theo thời điểm nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong năm. Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 đối với nho tươi nhập khẩu trong thời gian từ 15 tháng 2 đến hết ngày 31 tháng 3 là 1,13 USD/m3, trong thời gian từ 1 tháng 4 đến hết 30 tháng 6 là 1,80 USD/m3, và ngoài những thời gian trên được miễn thuế.
Thuế leo thang: Một đặc điểm nữa của hệ thống thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ là áp dụng thuế suất leo thang, nghĩa là hàng càng chế biến sâu thì thuế suất nhập khẩu càng cao. Ví dụ, mức thuế MFN đối với cá tươi sống hoặc ở dạng philê đông lạnh là 0%, trong khi đó mức thuế đối với cá khô và xông khói là từ 4% đến 6%. Loại thuế này có tác dụng khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu và hàng sơ chế hơn là hàng thành phẩm.
Chính sách thuế và thuế suất
Mức thuế tối huệ quốc (MFN), hay còn gọi là mức thuế dành cho các nước có quan hệ thương mại bình thường (NTR), được áp dụng với những nước thành viên thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những nước tuy chưa phải là thành viên WTO nhưng đã ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ như Việt Nam. Mức thuế tối huệ quốc (MFN) nằm trong phạm vi từ dưới 1% đến gần 40%, trong đó hầu hết các mặt hàng chịu mức thuế từ 2% đến 7%. Hàng dệt may và giầy dép thường chịu mức thuế cao hơn. Mức thuế MFN theo giá trị nói chung bình quân khoảng 4%. Mức thuế MFN được ghi trong cột “General” của cột 1 trong biểu thuế nhập khẩu (HTS) của Hoa Kỳ.
Mức thuế phi tối huệ quốc (Non-MFN) được áp dung đối với những nước chưa phải là thành viên WTO và chưa ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ như Lào, Cu Ba, Bắc Triều Tiên. Thuế suất Non-MFN nằm trong khoảng từ 20% đến 110%, cao hơn nhiều lần so với thuế suất MFN. Mức thuế Non- FMN được ghi trong cột 2 của biểu thuế HTS của Hoa Kỳ.
Mức thuế áp dụng với Khu vực mậu dịch tự do Bắc Hoa Kỳ (NAFTA). Hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mehico được miễn thuế nhập khẩu hoặc được hưởng thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế MFN. Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 áp dụng chung với dưa chuột chế biến là 9,6%, trong khi đó nếu nhập khẩu từ Canada hoặc Mêxicô thì được miễn thuế.
Thuế suất ưu đãi đối với hàng nhập từ Canada và Mêxicô được ghi ở cột “Special” của cột 1 trong biểu thuế HTS trong đó (CA) là ký hiệu dành cho Canada và (MX) là ký hiệu dành cho Mêxicô.
Chế độ ưu đãi độ thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences – GSP). Một số hàng hóa nhập khẩu từ một số nước đang phát triển được Hoa Kỳ cho hưởng GSP được miễn thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Chương trình GSP của Hoa Kỳ thực sự được thực hiện từ 1 tháng 1 năm 1976 với thời hạn ban đầu là 10 năm. Từ đó đến nay, chương trình này đã được gia hạn nhiều lần với một số sửa đổi.
Theo luật Hoa Kỳ, Tổng thống bị cấm không được cho nước cộng sản hưởng GSP trừ phi (a) các sản phẩm của nước đó được hưởng đối xử không phân biệt (MFN); (b) nước đó là thành viên của WTO và là thành viên của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF); và (c) nước đó không bị thống trị hoặc chi phối bởi cộng sản quốc tế.
Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) sau khi tham khảo ý kiến công chúng, Uỷ ban Thương mại Hoa Kỳ (ITC), và các cơ quan hành pháp, Tổng thống quyết định những mặt hàng và những nước đựợc hưởng GSP. Để đuợc miễn thuế nhập khẩu theo chế độ ưu đãi này, (1) hàng phải được nhập trực tiếp từ nước hưởng lợi vào lãnh thổ hải quan Hoa Kỳ và (2) trị giá hàng hóa được tạo ra tại nước hưởng lợi phải đạt ít nhất 35%.
Hiện nay, có khoảng 3.500 sản phẩm từ trên 140 nước và vùng lãnh thổ được hưởng ưu đãi này của Hoa Kỳ, trong đó không có Việt Nam. Không phải tất cả các nước được hưởng GSP được hưởng chung một danh mục hàng hóa GSP như nhau. Những hàng hóa được hưởng GSP của Hoa Kỳ bao gồm hầu hết các sản phẩm công nghiệp và bán công nghiệp, một số mặt hàng nông thuỷ sản, và các nguyên liệu công nghiệp.
Những mặt hàng không được đưa vào diện hưởng GSP bao gồm một số mặt hàng hàng dệt may; đồng hồ; các mặt hàng điện tử nhập khẩu nhạy cảm; các mặt hàng thép nhập khẩu nhạy cảm; giầy dép, túi xách tay, các loại bao ví dẹt, găng tay lao động, và quần áo da; và các sản phẩm thuỷ tinh bán công nghiệp và công nghiệp nhập khẩu nhạy cảm.
Mức thuế ưu đãi GSP được ghi ở cột “Special” của cột 1 trong biểu thuế HTS và có ký hiệu là A và A+, trong đó A+ có nghĩa là mặt hàng này nếu được nhập quá nhiều vào Hoa Kỳ từ một nước thì nước đó sẽ bị mất ưu đãi GSP đối với mặt hàng đó. Các thông tin chi tiết về GSP, danh mục các sản phẩm và các nước được hưởng GSP của Hoa Kỳ có trên trang web www.ustr.gov của Đại diện thương mại Hoa Kỳ.
Sáng kiến Khu vực Lòng chảo Caribê (Caribbean Basin Initiative – CBI). Điểm mấu chốt của CBI là cho phép Tổng thống quyền đơn phương dành ưu đãi thương mại cho hàng nhập khẩu từ các nước và lãnh thổ nằm trong khu vực Lòng chảo Caribê để hỗ trợ cho các nước và vùng lãnh thổ này phục hồi và phát triển kinh tế.
Kể từ CBI I đến CBI III hiện nay, những ưu đãi thương mại mà Hoa Kỳ đơn phương dành cho các nước và vùng lãnh thổ được hưởng lợi ngày càng nhiều và lớn hơn. Hiện nay, có 24 nước và vùng lãnh thổ được hưởng lợi của CBI. Hầu hết các sản phẩm có xuất xứ từ những nước và vùng lãnh thổ này được nhập khẩu vào Hoa Kỳ không bị hạn chế về số lượng và được miễn thuế
Để được hưởng ưu đãi theo CBI, hàng hóa phải đáp ứng 3 yêu cầu xuất xứ:
(1) Phải được nhập trực tiếp từ một nước được hưởng lợi vào lãnh thổ hải quan Hoa Kỳ;
(2) Phải chứa ít nhất 35% hàm lượng nội địa của một hoặc nhiều nước hưởng lợi (hàm lượng nguyên liệu xuất xứ Hoa Kỳ chiếm tới 15% tổng trị giá hàng hóa cũng có thể tính vào yêu cầu 35% này), và 50
(3) Hàng hóa phải là sản phẩm được trồng, sản xuất hoặc chế tạo hoàn toàn ở nước hưởng lợi hoặc nếu có nguyên liệu nước ngoài thì nó phải được biến đổi thành sản phẩm mới hoặc khác ở nước hưởng lợi.
Mức thuế ưu đãi theo Luật này được ghi ở cột “Special” thuộc cột 1 của biểu thuế HTS và có ký hiệu là E và E+, trong đó E+ có ý nghĩa tương tự như A+.
Các mặt hàng kim loại chế biến ở nước ngoài từ kim loại mua của Hoa Kỳ khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá mua của Hoa Kỳ. Hàng lắp ráp từ các bộ phận mua của Hoa Kỳ khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá mua của Hoa Kỳ.
[Để xem thêm các tin bài khác về Thị trường Hoa Kỳ, vui lòng nhấn vào đây]
(Theo Vietrade – 2011)